Rất ít người có thể cưỡng lại được sự đáng yêu của một chú cún nhỏ hay một em mèo mập mạp. Và cũng không ít người sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, tình cảm để nuôi một em thú cưng. Tuy nhiên, khi quyết định nuôi bất kỳ động vật nào, chúng ta đều phải có trách nhiệm với nó chứ không thể chỉ dừng lại ở ý thích nhất thời.
Bên cạnh những trách nhiệm về mặt tình cảm, chuyện chi phí để nuôi những em thú cưng cũng là vấn đề không hề nhỏ.
Uyên đã từng là một cô nhân viên văn phòng với mức lương 7 triệu/tháng và nuôi một bé mèo. Sau thời gian dài nuôi mèo không có kế hoạch, Uyên chia sẻ về những sai lầm và cách mà cô đã làm để không biến việc nuôi thú cưng trở thành áp lực cho bản thân mình.
Đừng bao giờ nuôi thú cưng vì ý thích nhất thời
Tất nhiên rằng ai cũng hiểu sự đáng yêu của loài động vật nhỏ như chó, mèo là rất khó để cưỡng lại, thế nhưng từ việc yêu thích đến quyết định nuôi nấng chúng cần phải suy nghĩ thật kỹ.
Trước khi đi đến quyết định có nuôi thú cưng hay không, Uyên cho rằng cần phải xét đến rất nhiều yếu tố và một trong số đó là vấn đề tài chính của bạn.
Uyên đón bé mèo của mình về quả đúng là vì ý thích nhất thời. Lúc ấy cô chưa nghĩ quá nhiều, cô cho rằng nuôi mèo chắc chỉ tốn thêm ít tiền cát, tiền thức ăn mà thôi, cũng chẳng đáng là bao nhiêu.
Thế nhưng khi đón bé mèo về cô mới biết chủ nhà cô đang thuê không cho nuôi chó mèo, thế là mặc dù đó là thời điểm gần Tết, Uyên vẫn phải lao tâm khổ tứ để tìm chỗ trọ mới. Chi phí cho việc chuyển trọ này đương nhiên không hề nhỏ.
Kế đó là rất nhiều những khoản tiền lặt vặt khác mà cô không ngờ rằng việc nuôi mèo sẽ phát sinh nhiều đến thế. Vậy nhưng Uyên cũng tặc lưỡi cho qua vì nghĩ rằng chắc chỉ tốn khoản tiền ban đầu như thế thôi.
"Đừng bao giờ nghĩ nuôi một bé mèo, một bé chó thì đáng là bao nhiêu bởi vì khi bắt đầu đón chúng về cũng là lúc bạn phải chấp nhận rất nhiều các vấn đề liên quan đến chúng. Có trách nhiệm với thú cưng mình nuôi chính là có trách nhiệm với quyết định của mình".
Lương 7 triệu nhưng đưa mèo đi viện hết 4 triệu
Kể từ khi nuôi mèo, mỗi tháng Uyên sẽ tốn khoảng hơn 2 triệu bao gồm tiền thức ăn, vệ sinh, quần áo, spa tắm rửa cắt tỉa lông... Nếu chỉ trong khoảng đó thì Uyên vẫn có thể xoay xở được. Thế nhưng nếu không may chú mèo của cô bị bệnh thì chi phí phát sinh thật sự phải khiến Uyên đau đầu.
Đã từng liên tiếp 4 tháng trời Uyên phải đưa mèo của mình đi viện và mỗi lần thanh toán chi phí đều khiến cô phát hoảng vì hóa đơn quá cao. Uyên còn đùa rằng nếu có bảo hiểm y tế cho thú cưng thì chắc chắn cô sẽ mua vì làm sao tránh được việc chúng ốm đau mà viện phí cho chúng có khi còn tốn hơn cả người.
Điều đáng nói là thu nhập của Uyên vào thời điểm đó chỉ có 7 triệu/tháng nên việc lo viện phí cho mèo cưng lúc ấy thật sự đã khiến cả tháng đó cô lâm vào túng thiếu. Từ một người tiêu pha khá thoải mái bỗng dưng phải đi vay mượn để lo chi phí sinh hoạt cho cả tháng đó.
Chuyện cứ thế kéo dài thêm vài tháng, Uyên vừa phải chăm mèo ốm vừa phải lo chính bản thân mình không đủ tiền sinh hoạt. Thậm chí, trong suốt nhiều tháng tiếp theo nữa, cô lại phải bù đầu để cân đối tiền trả nợ.
Nguyên tắc nuôi thú cưng không vượt quá 20% thu nhập
Sau khoảng thời gian chật vật với các khoản chi cho mèo cưng của mình. Uyên đã ngồi lại và tính toán về ngân sách để nuôi chúng. Nếu không có hoạch định rõ ràng, rất có thể sẽ dẫn đến việc bản thân không gánh nổi mà phải cho chú mèo đã gắn bó với mình để người khác dư dả hơn nuôi nấng.
Cuối cùng, Uyên rút ra 4 nguyên tắc bất di bất dịch mà bất kỳ ai đang và sẽ nuôi thú cưng nên nắm được để việc chăm sóc những con vật nhỏ không trở thành gánh nặng.
1. Tổng mọi chi phí cho thú cưng không nên vượt quá 20% thu nhập: Tức là ở thời điểm đó, mọi chi phí dành cho mèo của Uyên không nên vượt quá 1,4 triệu/tháng.
2. Mua hàng với số lượng lớn và ưu tiên đặt mua online: Thức ăn và cát vệ sinh mua sỉ sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản, miễn là bạn có không gian lưu trữ. Nếu nhà nhỏ không thể trữ lượng lớn, hãy chịu khó săn hàng giảm giá trên các sàn thương mại điện tử.
3. Hạn chế mua đồ theo cảm hứng: Ngoài những nhu yếu phẩm cho thú cưng, cần phải cân nhắc kĩ trước khi quyết định mua những thứ như quần áo, đồ chơi... cho chúng.
4. Quỹ dự phòng: Quỹ này lấy nguồn từ những tháng bạn không tiêu hết hạn mức cho thú cưng. Quỹ này sẽ dùng vào những lúc phát sinh bất ngờ như ốm đau, tiêm chủng, khám sức khỏe...