Năm 2022 là năm tuyển sinh có nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật để hướng đến minh bạch hóa và đảm bảo công bằng cao nhất cho thí sinh. Với những điều chỉnh mới, cũng có không ít những khó khăn đặt ra.

Bài học nào cho tuyển sinh năm 2023? - Ảnh 1.

Thí sinh đã làm thủ tục nhập học trực tiếp tại các trường ĐH đến hết ngày 10/10. Ảnh: Châu Linh

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, có một số thí sinh không thể nộp được lệ phí xét tuyển trực tiếp do quá tải. Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả thí sinh phải đăng ký nguyện vọng, phương thức xét tuyển bao gồm các phương thức xét tuyển riêng của các trường đại học (ĐH) và kết quả thi tốt nghiệp. Nhiều thí sinh tự do chưa có tài khoản trên hệ thống nên gặp khó khăn khi đăng ký hoặc do chưa nắm được thông tin nên không đăng ký.

Chính vì thế nên khi Bộ GD&ĐT mở Hệ thống phần mềm tuyển sinh kéo dài thêm 3 ngày, đã có 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng và 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nhận định: Do đa phần thí sinh tham gia Hệ thống phần mềm tuyển sinh lần đầu, trong khi hầu hết lại chưa có tài khoản và chưa từng giao dịch không sử dụng tiền mặt, vì vậy khó khăn là không thể tránh khỏi.

Một vấn đề nữa nảy sinh trong mùa tuyển sinh năm nay là thí sinh đăng ký nhầm phương thức xét tuyển, nhầm mã tổ hợp. Hậu quả là khi lọc ảo, thí sinh dù đủ điểm trúng tuyển nhưng vẫn không đỗ trường nào.

Nhiều chuyên gia đề xuất Bộ GD&ĐT cần điều chỉnh phần mềm tuyển sinh đảm bảo “thân thiện” hơn với thí sinh. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh năm 2022 được triển khai đồng bộ và triệt để. Có những thời điểm có tới hàng trăm ngàn lượt truy cập vào Cổng tuyển sinh và Cổng dịch vụ công quốc gia, dẫn tới khó có thể tránh khỏi việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp sai sót hay khó khăn đều được khắc phục, đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của thí sinh ngay trong năm nay.

Đến thời điểm này, ngoài một số khó khăn trong thanh toán phí xét tuyển trực tuyến và lỗi hiển thị thông tin trúng tuyển trong sáng ngày đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học (ngày 18/9), hệ thống đăng ký thi và xét tuyển của Bộ GD&ĐT không có bất kỳ lỗi nào gây “thiệt thòi” cho thí sinh.

Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH có quá nhiều phương thức tuyển sinh, trong một phương thức lại có nhiều tổ hợp xét tuyển trong khi chỉ tiêu ít. Việc này đã đẩy điểm chuẩn của nhiều ngành lên cao chót vót ở một vài tổ hợp.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ khẳng định trên cơ sở các số liệu tuyển sinh năm 2022, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.

Năm 2022, thống kê từ Hệ thống phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho thấy có 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học, những năm trước tối đa là 63%. Riêng năm 2021 chỉ 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học.