01

Mẹ Phúc vẫn nói rằng nhiệm vụ của người phụ nữ là lo cho chồng, chăm sóc con cái, như thế gia đình mới vẹn toàn. Phúc cũng đồng ý, vì mẹ chị là tấm gương cả đời lo cho chồng cho con. Đi ra ngoài, ai cũng khen mẹ Phúc đảm đang, thậm chí còn bảo bố Phúc tu 70 kiếp mới lấy được bà.

Ngày Phúc đi lấy chồng mẹ dặn hãy nhìn gương mẹ để sống, như vậy không ai chê trách được nửa lời.

Phúc học theo mẹ tối nào cũng là lượt quần áo cho chồng. Sáng Phúc còn dậy sớm để lo cơm nước cho chồng mang đi làm. Điều đáng ngạc nhiên chồng Phúc lại không hài lòng. Anh bảo anh lấy Phúc làm vợ chứ có phải làm osin đâu mà cứ cung phụng kiểu cơm bưng, nước rót. Anh không quen được phục vụ như thế vì anh tự lập từ nhỏ rồi.

Chồng Phúc nói: “Anh biết chăm sóc cá nhân, cả hai cùng làm nhé, chứ cứ như thế này anh không quen”. Chồng Phúc thậm chí còn bày tỏ nếu anh không làm gì thì lúc bưng bát cơm anh vợ nấu anh cũng thấy vô cùng khó xử.

Phúc nói lại với chồng lời mẹ dặn, về việc bao lâu nay mẹ vẫn làm. Chồng Phúc ôm lấy vợ mà nói rằng: "Vợ ngốc. Mẹ đã sai rồi và em không cần phải đi theo đường mẹ đã đi. Anh muốn xây một cuộc sống đôi ta hạnh phúc chứ không phải một mình anh sung sướng".

Phúc đem câu chuyện này kể với mẹ, chính mẹ cô cũng ngạc nhiên vì đàn ông thường chỉ muốn được chăm sóc, chứ không ai từ chối cả, vậy mà con rể lại làm vậy. Thế rồi bỗng dưng bà ôm lấy khuôn mặt mà khóc với vẻ đầy tủi hờn: “Bao nhiêu năm qua mẹ phục vụ bố con từ chân răng nhưng chưa nhận được lời cảm ơn nào. Có lần mẹ quên để sẵn khăn cho bố con trong phòng tắm, ông ấy đã cáu mà tát mẹ một cái đau điếng. Mẹ sợ phản ứng thì con cái nhìn vào, hàng xóm dị nghị và mẹ chưa bao giờ cãi lời ông ý. Bao năm qua nếu con thấy nhà cửa thuận hòa là vì mẹ đã phục vụ chu đáo cho bố con. Mẹ cũng tự nghĩ rằng đây là cách làm đúng, dù đôi lúc mẹ cũng mơ hồ nhận ra mình không thực sự là… vợ. Đến giờ nghe chuyện con kể mẹ mới tỉnh ngộ”.

02

Sau khi lấy chồng, 8 tháng sau chưa có con, hàng xóm họ hàng nhà chồng đã hỏi ra hỏi vào “có gì chưa”, “hay là tịt”, “đi khám xem”... Phúc lại rối bời vì sợ hay mình cũng không biết đẻ thật. Phúc bảo chồng “mai em đi khám, chưa có con em lo”. Chồng Phúc lại cười xòa: “Mới có 8 tháng, tuổi chúng mình 1 năm chưa có con người ta mới tính là hiếm muộn cơ em ơi. Với lại kể cả chưa có gì, cứ như thế này anh cũng thích. Em cứ thoải mái tư tưởng đi. Vài năm không có con mình đi khám cũng chưa muộn. Mà nữa là sao mình em đi khám, nhỡ tại anh thì sao. Sau này nếu vẫn chưa có con thì cả 2 vợ chồng cùng đi”. Thế là Phúc lại cảm thấy yên tâm: “Hay mẹ đặt tên mình là Phúc mà lấy được người chồng tuyệt vời như thế nhỉ?”.

Bài học sống còn lúc bước chân vào hôn nhân từ người chồng dạy vợ "cãi" lời mẹ  - Ảnh 2.

Hơn 1 năm, đi về quê họ hàng nhà chồng lại hỏi thăm và xì xào chuyện chưa có con, chồng Phúc nghe được cười lớn: “Cô ơi, chúng cháu còn đang kế hoạch. Cháu chưa cho vợ đẻ để có thời gian riêng tư đã”.

Vài tháng sau Phúc đậu thai. Cô cuống cuồng lo lắng thai nghén, sinh đẻ, lúc sinh con ra cô càng tất bật. Dù chồng đã nói nhiều lần không cần làm như vậy nhưng Phúc vẫn cho rằng mình cần như vậy. Có hôm cô đi ra ngoài về nhà nghe tiếng con khóc và tiếng bà cô bên chồng đang dỗ con mình: “Nín đi, để bà về mắng mẹ cháu một trận. Làm mẹ mà không lo lắng cho con gì hết, bỏ con đi chơi thế này. Tại bố mày chiều mẹ mày mà sinh hư đây này”.

Phúc đang định vội vàng bỏ dép vào bế con thì tiếng chồng Phúc vang lên: “Cô đừng nói thế, nhỡ vợ cháu nghe được lại tủi thân. Bầu bí, sinh để dễ trầm cảm, cháu phải nói mãi vợ cháu mới chịu ra ngoài gặp bạn để cô ấy thoải mái một chút đấy”. Lúc này Phúc chảy nước mắt, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.

Trước đó, như tấm gương mẹ cô, chăm sóc con cái việc gì cũng tay mẹ mà bố cô thì cho rằng đó là điều hiển nhiên. Mẹ bảo: “Thôi làm cố tí cho người ta đỡ xì xào”.

03

Cuối cùng, giờ đã có người dạy Phúc một bài học nhẹ nhàng mà tinh tế đấy chính là chồng cô. Người đã cho cô sự yêu thương, quan tâm mà người phụ nữ xứng đáng được hưởng, để cô biết giá trị của mình.

Như mẹ Phúc cả đời tận tụy vì chồng vì con và nếu nghĩ lại cô chưa bao giờ thực sự thấy mẹ có phút giây nào sống cho chính mình. Lâu lắm cô không thấy mẹ cười. Phúc đem điều này hỏi mẹ, mẹ cô khóc: “Mẹ đã cả một đời sống để vừa lòng người khác và mẹ đã dạy con điều đó, nhưng mẹ sai rồi. Chính con và con rể đã cho mẹ một bài học sâu sắc. Đến giờ nghĩ lại bao nhiêu năm qua mẹ chưa từng biết hạnh phúc là gì, thì giờ đầu đã 2 thứ tóc”.

Phúc cay đắng nhận ra mẹ đã sống cả một đời vì cái tiếng phụ nữ đảm đang, vì thứ người ta nhìn vào mà quên sống cho mình.

Bài học sống còn lúc bước chân vào hôn nhân từ người chồng dạy vợ "cãi" lời mẹ  - Ảnh 3.

Phúc may mắn vì lấy được một người chồng tuyệt vời. Người đàn ông đã dạy cô "cãi" lời mẹ để hạnh phúc "hãy sống cho chính mình trước nhất, không cần sống để người khác ngưỡng mộ".

Phụ nữ hay đàn ông ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Cái mác phụ nữ đảm đang, vợ đảm, mẹ đảm đã đã trói buộc khiến nhiều phụ nữ mải chứng tỏ, cho đến khi tóc đã pha sương mới nhận ra mình đã uổng phí gần cả cuộc đời.