Ngày nay, kiến thức tiểu học không còn giản đơn như nhiều người vẫn nghĩ. Các bài tập ngày càng trở nên phức tạp và đòi hỏi sự tư duy, phân tích sâu sắc hơn, khác xa với những kiến thức cơ bản trước đây. Điều này đã tạo ra không ít thách thức cho các bậc phụ huynh trong quá trình học tập. Việc hỗ trợ con học tập không chỉ đơn thuần là ôn lại kiến thức cũ, mà còn phải cập nhật và thích nghi với những phương pháp giảng dạy mới, cùng những kiến thức tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng "hóc búa”.
Mới đây, tờ 163.com đưa tin, một phụ huynh có con đang học lớp 1 ở Quảng Đông (Trung Quốc) đã phát hoảng vì một bài tập trong sách giáo khoa của con. Theo đó, bài tập có đề bài là "Ai cao? Ai thấp?" kèm thức bức ảnh minh họa về chiều cao của một nam sinh và một nữ sinh.
Thoạt nghe, đây chỉ là một bài tập so sánh chiều cao vô cùng đơn giản. Với yêu cầu so sánh chiều cao thì hẳn đáp án chỉ có thể rơi vào mấy tình huống: hoặc là nam sinh cao hơn, hoặc là nữ sinh cao hơn, hoặc đơn giản là cả hai cao bằng nhau. Tuy nhiên, sau khi nhìn ảnh đề bài đưa ra thì mọi người mới ngơ ngác, không biết nên đưa ra đáp án như thế nào.
Có thể thấy, nam sinh trong bức ảnh đã nhón chân lên, điều đó khiến chiều cao của cậu cao hơn so với nữ sinh. Thế nhưng, phụ huynh thắc mắc nếu đề bài hỏi "ai cao hơn", tức là chiều cao thực tế, nam sinh kia kiễng chân lên là đã ăn gian chiều cao rồi. Giả dụ nếu nam sinh không kiễng lên thì lúc này, chưa chắc nam sinh đã cao hơn.
Vì mãi không thể tìm ra đáp án, phụ huynh này đã quyết định mở hướng dẫn tự học ra để xem hướng dẫn. Cụ thể hướng dẫn giải như sau:
1. Nhìn hình và đọc hiểu câu hỏi
Trên sân vận động, một bạn nam và một bạn nữ đứng quay lưng vào nhau, yêu cầu so sánh chiều cao của cả hai.
2. Phán đoán xem cách so chiều cao của cả hai chính xác hay chưa
Bạn nam đang kiễng chân, cả hai không đo chiều cao ở cùng một mốc như nhau, như vậy là không công bằng cho bạn nữ.
3. Tìm hiểu cách so sánh chính xác
Cách so chiều cao chính xác là bạn nam không kiễng chân, có nghĩa là bạn nam và bạn nữ đứng ở cùng một mốc bằng nhau, rồi mới tiến hành so sánh.
Sau khi đọc xong hướng dẫn, người mẹ cảm thấy bất ngờ vì hướng giải của bài tập rất mở, kích thích sự sáng tạo của người học. Người mẹ sau đó đã đăng lên MXH để netizen cùng bàn luận. Nhiều phụ huynh thú nhận ban đầu họ cũng rơi vào tình trạng "rối não" như người mẹ khi không biết giải thích bài tập này cho con ra sao và chỉ khi đọc lời hướng dẫn, họ mới "À" lên thích thú và nói lại cho con mình. Phần đông netizen cho rằng bài tập này có hướng ra đề rất hay, mới lạ, giúp kích thích sự sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, cũng có một số ít người cho rằng học sinh ở các cấp dưới không thích hợp với kiểu hỏi đáp "đánh đố" như thế này, ở độ tuổi này, các em nên học những thứ đơn giản, trực tiếp hơn.
- Với câu hỏi hình ảnh này, đáp án không nhất thiết phải là ai cao, ai thấp, mà cũng có thể là "không thể so sánh, vì bạn nam đã kiễng chân". Tôi nghĩ câu hỏi này rất hay, có thể dạy học sinh tư duy logic, không phải người khác cứ đưa ra hai lựa chọn là các em nhất định phải chọn một trong hai cái đó, đáp án chính xác cũng có thể không hề nằm trong những lựa chọn mà người khác đưa ra.
- Đây là bài tập không có lời giải đáp, mà đáp án phụ huynh vào góc nhìn và suy nghĩ của mỗi người. Quá hay luôn ý!
- Mình thích bài tập đề cao sự sáng tạo của người học thế này.
- Theo tâm lý học, con trai mà cao hơn con gái thì không bao giờ cần kiễng chân, haha.
- Trẻ cấp 1, bạn hỏi "Ai cao? Ai thấp?" thì chúng sẽ chỉ biết nhìn hình và chỉ ra đáp án đập vào mắt chúng thôi, chứ chúng không thể tự tư duy ra được à rằng là bạn nam phải thôi kiễng chân thì việc đo đạc mới công bằng, hay đâu mới là cách so chiều cao chính xác đâu.
Còn bạn, bạn giải bài tập này thế nào?