Sự khác biệt giữa người thành công và người bình thường vốn rất đơn giản, nó nằm ở điểm, người thành công thường chỉ cần một khích lệ tinh thần nho nhỏ cũng có thể tự mình tiếp thêm dũng khí, biết tập trung tinh lực để thực hiện cho tốt một việc, còn người bình thường lại bị phân tán bởi rất nhiều việc khác nhau, kết quả việc gì cũng không nên.
Vấn đề nằm ở việc, trong cuộc sống muôn màu, ai cũng có thiếu sót và người ta hơn nhau ở điểm biết trui rèn để hoàn thiện bản thân mình hơn. Một danh thần Trung Quốc đã tập hợp 8 thiếu sót của đời người vào 4 câu thơ sau:
“Tài không đủ mới đa mưu, nhận thức không đủ thì lo nghĩ nhiều.
Uy không đủ mới hay tức giận, tín không đủ mới nhiều lời.
Dũng không đủ mới nhọc thân, minh không đủ mới hay quan sát.
Lý không đủ mới tranh biện nhiều, tình không đủ mới lắm lễ nghi”.
1. Tài không đủ mới đa mưu
Mỗi khi đứng trước những quyết định khó khăn, chúng ta thường không thể quyết đoán mà phải cân nhắc thiệt hơn rất nhiều. Điều này có thể là một trong những biểu hiện của “tài” chưa đủ. Khi “tài” đã đạt đến một mức độ nhất định, chúng ta có thể mượn kinh nghiệm của những người đi trước để tìm ra giải pháp cho vấn đề mà bản thân đang gặp phải, không quá lo ngại đến xung quanh.
Trong công việc cũng vậy, không ít lần chúng ta gặp phải những vấn đề mà bản thân cũng không biết nên xử lý như thế nào. Để rồi, một là bỏ cuộc, hai là lấp liếm cho qua vấn đề. Cho nên, thay vì cứ đối phó theo hướng tiêu cực như thế, sao bản thân không nỗ lực vươn lên, bồi đắp trí lực, và đối mặt với mọi khó khăn bằng một tâm thế bình ổn và tích cực nhất.
2. Nhận thức không đủ, lo nghĩ nhiều
Kiến thức được tích lũy thông qua quá trình học hỏi và trau dồi không ngừng. Suy nghĩ nhiều chỉ là biểu hiện của sự lo lắng về tương lai, mông lung với con đường trước mắt. Nếu nền tảng kiến thức của bản thân vững chắc, chúng ta chẳng còn quá lo lắng về những thứ chưa diễn ra nữa.
Những âu lo, bất an trong cuộc sống hoàn toàn không phải tác động từ bên ngoài, mà là do kiến thức của chúng ta còn nông cạn gây ra. Muốn thay đổi tình huống này, cần làm phong phú trí tuệ của bản thân, mở mang tầm mắt.
3. Uy không đủ mới hay tức giận
Chúng ta thường nổi giận vì cảm thấy không được tôn trọng. Đây chính là biểu hiện cho việc uy tín của bản thân chưa đủ. Nhưng càng nổi giận, chúng ta càng bộc lộ nhiều thiếu sót.
Uy vọng đều từ đức mà ra, sức mạnh của đạo đức có thể chinh phục tất cả mọi người. Cho nên thay vì cứ mãi tức giận và nảy sinh những xúc cảm tiêu cực, hãy tự tu dưỡng bản thân, trở thành hình mẫu được những người xung quanh trân quý và tôn trọng.
4. Tín không đủ mới nhiều lời
Người có đức thường kiệm lời, kẻ khuất tất mới đa ngôn. Người có tu dưỡng thì lời nói mộc mạc, không bình luận bừa bãi. Người có tính cách bộp chộp thì thao thao bất tuyệt, nhưng trong lời nói lại chẳng có thực chất.
Một khi chữ tín đã có, con người ta chẳng sợ người khác hiểu lầm hay có cái nhìn tiêu cực về mình. Và một khi đã không còn cảm giác lo sợ, người ta sẽ chẳng phải bận lòng để đi giải thích bản thân mình cho cả thế giới hiểu rõ.
5. Dũng không đủ mới nhọc thân
Những người chăm chỉ chịu khó sẽ có tinh thần rất cao, nhưng có thể sâu trong tâm khảm, họ lại không đủ dũng khí. Người không có dũng khí làm việc rất e dè, hay bê trễ.
Sự khác biệt giữa người ưu tú và người bình thường nằm ở chỗ, người ưu tú có dũng khí và dốc hết năng lượng, sở trường để làm tốt một việc. Còn những người bình thường lại chia năng lượng của mình cho rất nhiều việc, nhưng kết quả chẳng việc nào làm tốt.
Ông bà ta xưa có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chính là nhằm răn dạy con người ta dốc sức vào một việc mà thôi. Chuyên tâm làm tốt một việc thì kết quả tự nhiên sẽ rực rỡ, dẫu có đối mặt với thất bại cũng không hối tiếc.
6. Minh không đủ mới hay quan sát
Trong công việc thường có rất nhiều chi tiết, khiến chúng ta mất tập trung. Chỉ những người luôn giữ cho bản thân một tinh thần minh mẫn mới có thể kiểm soát vấn đề.
Để không rơi vào tình trạng suốt ngày phải chú tâm quan sát những chi tiết nhỏ nhặt, hãy rèn luyện cho bản thân một tinh thần thật minh mẫn, tập trung vào vấn đề hết mức có thể.
7. Lý không đủ mới tranh biện nhiều
Khổng Tử từng nói: “Trời đâu có cất tiếng nói mà bốn mùa vẫn vận hành như thường, trăm vật vẫn sinh trưởng như thường. Trời có nói lời nào đâu?”. Người có lý không cần phải tranh biện quá nhiều bởi những lời họ nói ra là chuẩn xác.
Tán dương bản thân một cách mù quáng cũng như thùng rỗng kêu to. Hơn cả việc tranh biện, thể hiện bản thân, nhiều người tài chọn cách ẩn mình, làm chân nhân bất lộ tướng, để rồi khiến mọi người bất ngờ ở những thời điểm quyết định nhất.
8. Tình không đủ mới lắm lễ nghi
Những người càng xa lạ thì càng cần phải đối đãi với nhau bằng lễ nghi. Còn những người có tình cảm sâu sắc với nhau, họ dùng cái tình chân thành đối đãi với nhau là chính.
Cuộc sống này vốn không ai hoàn hảo cả, mỗi người đều có những điểm mạnh cũng như điểm yếu riêng. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta chịu thua sự định đoạt của số phận. Người thành công thường sẽ nhìn nhận một cách khách quan điểm yếu của bản thân để từ đó có biện pháp khắc phục phù hợp. Một khi dám thừa nhận thiếu sót và bù đắp thiếu sót thông qua nỗ lực của bản thân, con người ta có thể tiến xa hơn rất nhiều.