Bồ công anh - vị thuốc được dùng nhiều trong Đông y
Bồ công anh mọc hoang rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Cây thuốc này rất gần gũi với người dân. Người ta thường được hái lá dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Khi dùng tươi thì lượng gấp đôi hoặc gấp 3 lần khi dùng khô.
Theo BS Đông y Nguyễn Hữu Trường (Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Y Tâm Đường), trong Đông y, bồ công anh có tác dụng chính là thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông lâm. Đây là một trong những vị thuốc đầu bảng trong nhóm thuốc thanh nhiệt giải độc của Đông y.“Do tác dụng tiêu viêm kháng khuẩn rất tốt lại không có tác dụng phụ nên vị thuốc này được ví như là thuốc kháng sinh thực vật. Bồ công anh dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để sắc uống hoặc cũng có thể giã nát để đắp ngoài. Trên lâm sàng,vị thuốc này thường được ứng dụng để điều trị các bệnh chứng như: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đường tiết niệu, viêm phụ khoa, u nhọt, mụn mặt, viêm tắc tia sữa…”, BS Nguyễn Hữu Trường cho biết.
BS Đông y Nguyễn Hữu Trường cho biết, bồ công anh có tác dụng chính là thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông lâm.
Các bài thuốc chữa bệnh từ bồ công anh
Các bài thuốc chữa bệnh từ bồ công anh
BS Trường chia sẻ các bài thuốc chữa bệnh từ bồ công anh (gam lượng các vị thuốc ở dạng khô):
Viêm loét dạ dày tá tràng
Người bị bệnh này thường có các triệu chứng như đau vùng thượng vị, no đau, đói đau, đầy trướng bụng, khó tiêu, đại tiện lỏng, ợ chua, ợ hơi.
Dùng bài thuốc: Bồ công anh 20g, lá khôi 12g, Cam thảo 6g, Ô tặc cốt (Mai mực) 8g, Nghệ vàng 8g, vỏ quýt 6g. Cho vào 3 bát nước sắc cạn còn 1 bát. Một thang sắc làm 2 lần uống trong ngày.
Phụ nữ sau khi sinh bị viêm tắc tia sữa
Dùng bài thuốc: 40g lá bồ công anh tươi rửa sạch, vắt lấy nước uống, còn bã đắp lên vú sưng đau. Mỗi ngày làm 2-3 lần liên tục trong 2-3 ngày.
Loại cây bồ công anh phổ biến nhất ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Phụ nữ bị viêm âm đạo
Ngoài việc uống thuốc điều trị có thể dùng các loại thảo dược sau để ngâm rửa, giúp giảm ngứa, rát và khí hư ở vùng kín.
Dùng bài thuốc ngâm: Bồ công anh 20 g, bạch chỉ 10 g, Xà xàng tử 15 g, Hoàng bá 12 g. Đun sôi với 1 lít nước trong 20 phút, đổ vào chậu, chờ cho bớt nóng rồi ngâm rửa trong 20 phút. Mỗi ngày làm 1-2 lần, nếu dễ chịu hơn thì làm cho đến khi khỏi bệnh.
Người bị viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu gắt
Dùng bài thuốc: Bồ công anh 20g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 20g, râu ngô 20g đun sôi với 1 lít nước trong 20 phút, uống thay nước trong ngày.
Khi gan nóng, nổi nhiều mụn mặt
Dùng bài thuốc: Bồ công anh 20g, Tang diệp (lá dâu) 12g, Thương nhĩ tử (ké đầu ngựa) 12g, Cam thảo 6g. Đun sôi với 1 lít nước trong 20 phút, uống thay nước trong ngày
Lưu ý: Bồ công anh có tính lạnh vì vậy những trường hợp đang bị cảm lạnh, tiêu chảy do nhiễm lạnh không nên dùng.