Một phụ huynh ở Nhật Bản đã chia sẻ bài toán và cho rằng cô giáo có lẽ đã chấm sai cho con mình. Điều đáng nói bài toán này không phải là những phép tính cao siêu mà chỉ đơn giản là phép cộng trừ nhân chia dành cho các bạn học sinh tiểu học. Dù vậy, đáp án của nó đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới Toán học Nhật Bản.
Trong hai phép tính được cô giáo cho, học sinh tiểu học đã trả lời đúng câu đầu tiên là 4,8 + 3,5 = 8,3. Tuy nhiên, trong câu hỏi 7-2, 3,9 + 5,1 = 9,0 lại được coi là một câu trả lời sai. Giáo viên cho điểm giải thích với học sinh đáp án đúng phải là 9 chứ không phải 9.0. Về nguyên tắc nếu sau dấu phẩy là số 0 thì không cần phải ghi vào.
Tuy nhiên, kết quả này khiến cư dân mạng tranh cãi dữ dội. Họ cho rằng 9 hay 9,0 không có gì khác nhau. Cách chấm như vậy sẽ thiệt thòi cho học sinh, soi lỗi sai không đáng có. Sự việc căng thẳng đến nỗi một lãnh đạo ngành giáo dục của nước này phải lên tiếng giải thích: "Việc viết 9.0 như hiện nay là trái với chương trình giảng dạy của Nhật Bản và việc chấm điểm là tùy ý của giáo viên phụ trách", người này nói.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của chính phủ, giới giáo dục cho rằng "Giáo dục ở Nhật Bản quá cứng nhắc. Giáo dục kiểu truyền thống, không linh hoạt làm tổn hại đến khả năng sáng tạo của học sinh". Còn nhà toán học Nhật Bản Kenichiro Mogi thì chỉ trích hệ thống giáo dục Nhật Bản rằng: "Chuyện như thế này chẳng khác nào đánh đố trẻ em".
Trong khi đó, cũng một bài Toán tương tự nhưng ở Trung Quốc, khi học sinh không đặt số 0 sau phép tính hàng dọc, cô giáo lại chấm sai. Cụ thể trong câu hỏi của cô giáo là "7,5 - 2,5 = ?", học sinh đưa ra đáp án là "5", thế nhưng cô giáo thì lại không cho rằng như vậy là đúng và gạch sai đáp án của học trò.
Nghi ngờ cô giáo nhầm lẫn, bà mẹ này gọi hỏi cho rõ lý do. Cô giáo sau đó đã gửi lại nguyên mẫu bài toán mà vị giáo viên này ra đề trong yêu cầu ghi rõ là giữ nguyên số sau dấu thập phân. Vậy nên đáp án đúng của bài toán này phải là "7,5 - 2,5 = 5,0" chứ không phải là "5".
Nhiều người cho rằng, thực ra, Toán học là Toán học, mục đích ban đầu là rèn luyện kỹ năng tính toán của trẻ chứ không phải rèn luyện khả năng đọc hiểu, có nhiều cách để tăng hứng thú, không cần chọn những câu hỏi "đặt bẫy" và làm trẻ lúng túng.