Cách đây không lâu, một bài Toán tiểu học ở Trung Quốc thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Theo đó, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã gặp phải tình huống khó xử khi đang dạy kèm cho cháu gái mình. Bài Toán này có vẻ không khó nhưng đáp án được ông tính toán lại khác với đáp án chuẩn.
Nội dung của câu hỏi này là: "Mèo mẹ bắt được một số cá nhỏ và chia trung bình cho 7 chú mèo con. Mỗi chú mèo con nhận được số lượng cá bằng số cá dư còn lại. Hỏi mèo mẹ bắt được nhiều nhất bao nhiêu con cá?".
Phản ứng đầu tiên của nhiều cư dân mạng chắc hẳn là "8". Mỗi chú mèo con có 1 con cá và mèo mẹ chỉ còn lại một con cá, chẳng phải rất phù hợp với yêu cầu của câu hỏi sao? Ông nội cũng nghĩ như vậy, ông tin rằng đó là đáp án đúng.
Nhưng đáp án được đưa ra lại là 48. Người ông không nghĩ ra, không biết là do mình nắm chưa rõ dữ kiện bài Toán hay bản thân câu hỏi có "sơ hở". Nghĩ vậy, ông bèn gửi email nhờ Phòng Giáo dục giúp đỡ.
Phó Phòng giáo dục sau đó thay mặt trả lời, hơn nữa đáp án rất chi tiết:
"Gọi tổng số cá là Y. Y/7 sẽ cho ra số cá mỗi con mèo được nhận, cũng chính là số cá còn dư (gọi là X). Muốn tìm tổng cá lớn nhất thì số dư phải lớn nhất. Số dư lớn nhất luôn kém số chia 1 đơn vị. Vậy số dư lớn nhất của phép chia có số chia là 7 sẽ là: 7-1=6.
Từ đó ta có công thức tương đương như sau: Y=X*7+X. Đáp án sẽ là: Y=6x7+6. Suy ra: Y là 48. Số cá mèo mẹ bắt được nhiều nhất là 48 con cá".
Người ông và nhiều cư dân mạng đều đồng tình với câu trả lời của Phòng Giáo dục, đồng thời ca ngợi sự tỉ mỉ của người ông trong việc giải quyết vấn đề. Câu hỏi này không khó, số dư lớn nhất của 7 chú mèo con là 6, nếu nắm vững được điểm mấu chốt này thì rất dễ trả lời. Đây là bài kiểm tra khả năng tư duy ngược của học sinh trong phép chia lấy số dư.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng: Dù lời giải thích cho câu hỏi "mèo con và cá nhỏ" của Phòng Giáo dục là rất hợp lý nhưng đối với một học sinh lớp 2, "gợi ý" trong câu hỏi là chưa đủ rõ ràng, khó chấp nhận được.
"Hiện nay, các đề toán tiểu học ngày càng khó, nhiều dạng câu hỏi tương tự như "câu đố trí não" được bổ sung làm các em dần mất đi hứng thú, động lực học Toán", một người nói.