Hành trình leo núi của 4 thí sinh trong Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia 2023: Nguyễn Việt Thành (Trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội); Nguyễn Minh Triết (Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế); Lê Xuân Mạnh (Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa); Nguyễn Trọng Thành (Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng) chính thức diễn ra vào sáng Chủ nhật (8/10). Các thí sinh đã lần lượt tham gia 4 vòng thi là Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích.
Vượt qua những vòng thi đầy kịch tính, thí sinh Lê Xuân Mạnh (Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa) đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế. Giải thưởng giành cho Nhà vô địch Olympia 2023 sẽ là chiếc vòng nguyệt quế danh giá, cùng suất học bổng du học Úc trị giá 50.000 USD (hơn 1,2 tỷ đồng).
Trong chương trình, ngoài hai câu hỏi ở phần Về đích nhận về thắc mắc của các thí sinh, còn xuất hiện một câu hỏi Toán học nhận nhiều chú ý.
Câu hỏi như sau: "Tổng tất cả các số đối xứng có 3 chữ số là bao nhiêu? Biết rằng số đối xứng là số mà khi ta viết các chữ số của nó theo thứ tự ngược lại ta được số mới bằng chính nó". Xuân Mạnh trả lời sai câu hỏi này trong phần Về đích. Việt Thành giành cơ hội nhưng cũng đưa ra đáp án sai.
Theo thầy Trần Nhật Minh, thầy giáo dạy Toán nổi tiếng ở Hà Nội, lời giải cho bài Toán này chỉ sử dụng kiến thức lớp 4: Cụ thể: Các số đối xứng có 3 chữ số có dạng aba. Do a có 9 cách chọn và b có 10 cách chọn nên có tất cả 9 x 10 = 90 số như vậy.
Các chữ số 1, 2, 3, ..., 9 đứng ở hàng trăm và hàng đơn vị số lần là: 90 : 9 = 10 (lần)
Các chữ số 0, 1, 2, 3, ..., 9 đứng ở hàng chục số lần là: 90 : 10 = 9 (lần)
Vậy tổng các số đối xứng có 3 chữ số là:
(1 + 2 + 3 + ... + 9) x 100 x 10 + (1 + 2 + 3+ ... + 9) x 1 x 10 + (0 + 1 + 2 + ... + 9) x 10 x 9 = 49.500.
Dù bài Toán chỉ sử dụng kiến thức Tiểu học nhưng học sinh cấp 3 để trả lời đúng trong vòng 20 giây thì kiến thức và tốc độ nảy số phải cực tốt. "Mình đi thi gặp câu này chắc cũng tạch vì tự bấm giờ thấy mất 21 giây mới làm ra", thầy Minh nói.
Thầy giáo này cũng cho rằng, các câu hỏi Toán trong Olympia không phải là các câu khó về mặt mức độ mà là khó về mặt tốc độ. Nói cách khác, nếu vẫn câu này mà cho các thí sinh làm túc tắc 5 - 10 phút thì chắc chẳng thể gây khó dễ cho ai. Nhưng để giải quyết trong hơn chục giây, cộng thêm áp lực trường quay thì sẽ là 1 thử thách cực khó. Đánh giá độ khó 1 câu hỏi cần phải xem câu hỏi đó đặt trong hoàn cảnh nào, chứ không phải nhận xét ở trạng thái lý tưởng (xông xênh thời gian, tâm lý thoải mái).