Với diện tích tương đối rộng rãi và hình dáng vuông vắn, căn phòng dưới đây được gia chủ thiết kế và bài trí thông minh, đảm bảo mọi hoạt động của trẻ nhỏ luôn diễn ra an toàn và hiệu quả nhất.
Sơ đồ bài trí chung
Sơ đồ bài trí chung
Dễ nhận thấy rằng thế giới riêng tư của cậu bé này được phân vùng chức năng rất rõ ràng với 3 khu vực chính: góc nghỉ ngơi (vùng 1), góc học tập (vùng 2) và một diện tích sàn trống khá lớn cho hoạt động chơi đùa (vùng 3). Việc "quy hoạch" không gian khoa học nhằm tạo cho trẻ một thói quen tốt: tập trung vào những mục đích cụ thể và luôn có ý thức sắp xếp căn phòng của mình thật gọn gàng, ngăn nắp.
Góc nghỉ ngơi êm ái
Góc nghỉ ngơi êm ái
Được thiết kế hai cửa sổ hứng sáng tự nhiên và sử dụng gam trắng làm nền cho nội thất, bước vào căn phòng này bạn dễ dàng cảm nhận được sự thông thoáng, khoáng đạt và ấn tượng với những mảng màu xanh da trời điểm xuyết trong không gian. Đây là những gam màu được nhiều bé trai yêu thích bởi chúng tạo được nét đẹp đơn giản mà vẫn toát lên sự khỏe khoắn, đầy cá tính.
Khi thiết kế phòng trẻ cần ưu tiên cho diện tích trống để bé yêu của bạn được thỏa sức vận động và sáng tạo trong căn phòng của mình. Bởi thế nên gia chủ lựa chọn giường ngủ với kích thước không lớn nhưng cũng đủ để trẻ có một góc êm ái và dễ chịu khi chìm vào giấc ngủ sâu mỗi ngày.
Việc kê đầu giường áp vào bức tường giữa hai cửa sổ là vị trí hợp lý nhất để ánh sáng có thể tràn ngập cả không gian và trẻ cũng không thấy chói mắt khi thức dậy. Chiếc tủ đầu giường nhỏ xinh với những ngăn kéo nhỏ và một góc trống cạnh giường cung cấp thêm khả năng lưu trữ và góc thư giãn cho trẻ.
Việc kê đầu giường áp vào bức tường giữa hai cửa sổ là vị trí hợp lý nhất để ánh sáng có thể tràn ngập cả không gian và trẻ cũng không thấy chói mắt khi thức dậy. Chiếc tủ đầu giường nhỏ xinh với những ngăn kéo nhỏ và một góc trống cạnh giường cung cấp thêm khả năng lưu trữ và góc thư giãn cho trẻ.
Góc học tập tiện nghi
Bước sang độ tuổi đến trường, trẻ em có rất nhiều sách vở và dụng cụ học tập bên cạnh kho đồ chơi khổng lồ, phụ huynh cần xem xét tổng thể căn phòng để bố trí hợp lý khu vực học và chơi cũng như thiết kế hệ thống lưu trữ vật dụng của con cho đa năng và thuận tiện nhất. Ở đây, gia chủ thiết kế góc học tập quay vào bức tường đối diện với cửa sổ để tránh trẻ nhỏ bị thu hút bởi hoạt động bên ngoài khi đang học bài. Giá sách nhiều tầng và các hộp nhỏ được chuẩn bị nhiều để trẻ có thể phân loại và sắp xếp đồ dùng dễ dàng hơn.
Bảng phấn là lựa chọn thông minh cho góc học tập của trẻ nhỏ, nó đóng vai trò trang giấy nháp và giấy nhớ hoàn hảo khi cần. Vào những lúc rảnh rỗi, trẻ có thể tập vẽ trên chiếc bảng xinh xắn và đa năng ấy. Một lưu ý khác, bạn đừng quên tham khảo ý kiến con cái khi décor căn phòng của chúng. Không gian phù hợp với sở thích sẽ tạo được cảm hứng sáng tạo dồi dào cho trẻ.
Với bàn học và giá sách, bạn hãy cho phép trẻ trang trí những món đồ hấp dẫn chúng như một vài con rô bốt, tranh ảnh... Những chi tiết nhỏ ấy có thể giúp trẻ thấy thoải mái hơn khi căng thẳng vì bài vở mà không hề làm chúng phân tâm nhiều.
Góc vui chơi năng động
Câu nói "học mà chơi" đã trở nên quen thuộc với rất nhiều học sinh và phụ huynh. Với căn phòng này, người thiết kế đã tạo một khoảng vui đùa tối đa cho cậu bé. Chiếc sofa êm ái đặt bên cửa sổ với nhiều gối ôm có họa tiết độc đáo là nơi thư giãn lý tưởng cho trẻ sau thời gian mệt mỏi với bài tập về nhà. Thỏa sức đón gió mát và sử dụng kho đồ chơi của mình nhưng ở góc vui chơi này, trẻ vẫn có thể kết hợp việc học hay muốn thay đổi không gian học hành cho thoải mái.
Một loạt giá kệ xếp dọc tường với chức năng lưu trữ kết hợp (nhưng phân ô mục rõ ràng: sách vở - đồ chơi) giúp trẻ tự do bày biện trong khuôn khổ.
Với diện tích chưa đầy 20m2 nhưng bé trai đã có cả một không gian đa năng và đẹp mắt, hình thành ý thức sinh hoạt khoa học cho trẻ. Phụ huynh có thể yên tâm khi trẻ học và chơi trong một căn phòng lý tưởng như trên.