Năm 2023, một sự việc tại thành phố Lạc Dương (Trung Quốc) đã gây xôn xao dư luận địa phương. Cụ thể, người đàn ông họ Giang có một cửa hàng bán rau ở chợ, vốn luôn đông khách vì rau của ông tươi ngon, giá rẻ. Khác với nhiều hộ bán rau khác thường tự trồng rồi đem bán, ông Giang chỉ nhập hàng từ chợ đầu mối rồi bán hết trong ngày.
Một ngày, ông Giang cảm thấy không khỏe nên chỉ nhập 20kg rau để bán, thu về khoảng 200 NDT (700.000 đồng). Khi ông Giang chuẩn bị đóng cửa hàng ra về thì bất ngờ 2 “vị khách” vừa mua hàng quay lại cửa hàng tìm ông. Người đàn ông này tưởng họ có ý định mua thêm hàng, nhưng thực tế các vị khách lại là cán bộ từ Cục quản lý thị trường thành phố Lạc Dương (Trung Quốc).
Các cán bộ thông báo số rau họ vừa mua đã được đem đi kiểm định, kết quả cho thấy dư lượng thuốc trừ sâu trong rau vượt quá tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Điều này khiến ông Giang vô cùng sửng sốt.
Trên thực tế, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nếu đi vào cơ thể lâu ngày có thể gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh… Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc, việc sản xuất, vận hành thực phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức đều bị nghiêm cấm.
Chủ cửa hàng rau lập tức liên hệ với khách quen mua hàng sáng nay để xin lỗi, thu hồi nếu họ chưa dùng đến và hoàn tiền lại cho khách. Thế nhưng ông vẫn bị Cục quản lý thị trường xử phạt hành chính đến 55.000 NDT (gần 200 triệu đồng ).
Mức phạt này ông Giang cho là quá nặng, số tiền cả năm kinh doanh ông cũng không thể kiếm được. Hơn nữa ông chỉ nhập hàng từ chợ đầu mối nhiều năm nay, chưa từng có khách hàng nào phản hồi tiêu cực. Chỉ là người bán, ông Giang không có cách nào kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu nên việc này là ngoài mong muốn. Người đàn ông này quyết định khiếu nại Cục Quản lý thị trường để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Tại toà án, người đàn ông họ Giang cho rằng Cục quản lý thị trường nên điều tra và giải quyết vấn đề tận gốc nằm ở những người trồng thay vì phạt nặng một tiểu thương như ông. Ông Giang biết mình phải chịu trách nhiệm với khách hàng, sẽ tích cực hợp tác điều tra với cơ quan chức năng với mong muốn có thể giảm nhẹ mức phạt ban đầu.
Phía Cục quản lý thị trường khẳng định mức phạt của họ là hợp pháp. Là một người kinh doanh thực phẩm nên ông Giang cũng phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng và an toàn trước khi bán cho người tiêu dùng. Trước khi nhập hàng, người đàn ông này không kiểm tra giấy phép từ người buôn rau, như vậy là trái quy định của Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc.
Luật này quy định sản xuất, tiêu thụ trái phép thực phẩm chứa chất cấm như thuốc trừ sâu, phụ gia, có giá trị dưới 10.000 NDT sẽ bị phạt từ 50.000 – 100.000 NDT (174 triệu – 348 triệu đồng), trong trường hợp nghiêm trọng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Tuy vậy, sau khi xem xét các tình tiết trong vụ việc, toà án đưa ra phán quyết Cục quản lý thị trường có quyền xử phạt ông Giang nhưng mức phạt như vậy là quá cao và không phù hợp. Ông Giang đã vi phạm luật nhưng không có dấu hiệu cố ý bán thực phẩm kém chất lượng và chưa gây ra hậu quả có hại thực tế nào cho người mua.
Trong quá trình điều tra, người đàn ông này đã chủ động khai báo trung thực, có thái độ khắc phục và giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra. Vì vậy, toà án đã thay đổi mức phạt từ 55.000 NDT xuống còn 4.000 NDT (gần 14 triệu đồng). Cục quản lý thị trường không đồng tình với phán quyết này nên kháng cáo nhưng tòa vẫn bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vụ việc này thu hút sự quan tâm của dư luận địa phương. Hầu hết đều đồng ý với cách toà án thay đổi mức phạt ban đầu, vừa hợp tình vừa hợp lý. Mức phạt 4.000 NDT là số tiền lớn với một tiểu thương như ông Giang, là bài học về trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm của người bán với khách hàng.