Lần đầu tiên Bennett (người Anh) nhận ra mình vừa mắc một lỗi ứng xử nghiêm trọng là khi anh cảm ơn chủ quán vì một bữa ăn ngon trong chuyến đi đầu tiên đến Hàn Quốc.
Chủ quán là một phụ nữ ở độ tuổi 60 và Bennett, khi đó 23 tuổi, nói "gomawo", có nghĩa là "cảm ơn". Anh nghĩ đơn giản là mình đang bày tỏ sự biết ơn một cách lịch sự.
Sau 10 năm, Bennett vẫn nhớ về kỷ niệm "đau thương" của cú va chạm văn hóa đó. Sau này, anh mới nhận ra mình vừa dùng một phiên bản thiếu trang trọng của từ "cảm ơn" trong tiếng Hàn, có thể bị coi là thiếu lễ phép nếu sử dụng với người lớn tuổi hơn.
"Tôi không nhận ra rằng có quá nhiều cách để nói lời cảm ơn", Bennett nói. "Tôi luôn nghĩ cảm ơn là cảm ơn thôi mà".
Nhưng trong văn hóa Hàn Quốc, với tư cách là một người trẻ hơn bà chủ quán vài thập kỷ, Bennett đáng ra phải sử dụng hình thức kính ngữ của tiếng Hàn, một hệ thống ngôn ngữ phức tạp với nhiều cấp độ hàng đầu thế giới.
Kính ngữ tiếng Hàn yêu cầu người nói liên tục đánh giá độ tuổi, thâm niên, địa vị xã hội và mức độ thân thiết của một người trong mối quan hệ với người nghe.
Gốc rễ văn hóa sâu xa
Đó là lý do mà văn hóa "lời chào cao hơn mâm cỗ" của quốc gia Đông Á này quan tâm đặc biệt đến tuổi tác của người mới gặp. Việc chia sẻ tuổi hoặc năm sinh tại Hàn không chỉ đơn thuần là một quy ước xã hội. Đó là một hợp đồng xã hội thiết lập trật tự và phân vai vế trong giao tiếp.
Cũng có nghĩa là sự khác biệt chỉ 1 năm trong ngày sinh sẽ quyết định mọi tương tác trong cộng đồng, từ giao tiếp cho tới việc ngồi ăn cơm chung.
Jieun Kiaer, giáo sư tiếng Hàn và ngôn ngữ học tại Đại học Oxford, giải thích: "Yếu tố số một khi xác định nên sử dụng phong cách nói nào là tuổi tác. Đây là lý do tại sao mọi người luôn hỏi nhau về tuổi của người kia. Không phải vì họ nhất thiết phải quan tâm đến việc bạn bao nhiêu tuổi, mà vì họ thực sự cần tìm hình thức giao tiếp cho phù hợp".
Đối với một số người phương Tây, hỏi tuổi người mới quen có thể được coi là hành động xâm phạm bất lịch sự. Nhưng để hiểu đầy đủ lý do tại sao tuổi tác không chỉ là một con số trong xã hội Hàn Quốc, đòi hỏi người ta phải hiểu tác động lâu dài của Tân Nho giáo ở quốc gia này.
Trụ cột của Nho giáo tại Hàn là lòng hiếu thảo, kính trọng người lớn tuổi và trật tự xã hội, vốn đã ảnh hưởng sâu rộng hơn 500 năm trong suốt triều đại Joseon (1392-1910) và tiếp tục thiết lập các chuẩn mực trong xã hội hiện đại.
Ro Young-chan, giáo sư ngành nghiên cứu tôn giáo và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học George Mason ở Fairfax, Virginia (Mỹ), cho rằng: "Toàn bộ (quan điểm) Nho giáo có thể được tóm tắt trong 2 từ, 'Nhân và Lễ'".
Những lời dạy của Khổng Tử (551 đến 479 TCN) được sinh ra trong một thời kỳ đầy biến động của lịch sử Trung Quốc, Ro giải thích. Để lập lại trật tự trên khắp đất nước, triết gia tin rằng bách tính có thể được cứu bằng cách thiết lập một cấu trúc xã hội dựa trên quy tắc nghiêm ngặt về các nghi thức và lễ nghi đúng đắn, trong đó mọi người đều có một vai trò nhất định - và tất cả đều hiểu vị trí của mình trong đó.
Trong Tân Nho giáo, sự hài hòa xã hội có thể đạt được bằng cách tôn trọng trật tự tự nhiên trong 5 mối quan hệ trung tâm được gọi là oryun (ngũ luân) trong tiếng Hàn: vua tôi; vợ chồng, cha mẹ và con cái; anh chị em; và bạn bè. Những người nắm giữ vai trò cao hơn - như cha mẹ, chồng, vua - phải được đối xử với lòng kính trọmg và khiêm nhường, trong khi những người ở bậc thấp hơn được chăm sóc bằng lòng nhân từ.
Vấn đề là ngoài xã hội, với người lạ chưa thiết lập quan hệ, thì phải có một yếu tố xác định vai trò trên - dưới này, không gì khác ngoài tuổi tác.
Người Hàn cũng "gãi đầu gãi tai"
Trong khi hệ thống kính ngữ của Hàn có tối đa tới 7 cấp độ của phong cách nói và viết, giao tiếp thường nhật có thể được chia thành 2 cấp độ: banmal, dạng sỗ sàng, thân mật; và jondaemal, dạng lời nói trang trọng hơn, được biểu đạt thông thường bằng cách thêm đuôi "yo" vào câu.
Cần rất nhiều sự cẩn trọng và đàm phán để tìm ra phong cách nói phù hợp. Nếu bạn sử dụng sai cách, có thể xảy ra nhiều xung đột và bạn sẽ không thể giao tiếp thành công với người kia.
Jieun Kiaer, giáo sư tiếng Hàn và ngôn ngữ học
Do tuổi tác đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định phong cách nói, nhưng đó không phải là một quy tắc dễ nắm. Có một loạt các sắc thái và yếu tố cần xem xét: bối cảnh; tình trạng kinh tế xã hội giữa các bên; mức độ thân mật; lời nói được đưa ra ở nơi công cộng hay riêng tư. Nhờ sự phổ biến toàn cầu của Hallyu, hay làn sóng Hàn Quốc - các nguyên tắc này đang trở nên dễ truyền tải hơn, nhưng vẫn dễ gây nhầm lẫn.
Một điều thú vị là điều này không chỉ khó đối với người nước ngoài mà thậm chí cả chính người Hàn nữa.
Trên thực tế, kính ngữ khó nắm đến nỗi ngay cả những người nói tiếng Hàn bản ngữ cũng có thể mắc lỗi. Trong một bài báo năm 2019 được xuất bản trên tạp chí Discourse and Cognition, Kiaer phát hiện ra rằng hơn 100 mâu thuẫn liên quan đến các vụ tấn công thân thể nghiêm trọng ở Hàn Quốc từ năm 2008 đến năm 2017 đã được gây ra sau khi một bên dùng banmal.
Trong bài viết trên BBC Travel, Vivian Song, một người Canada gốc Hàn cho biết cô vẫn thấy hoảng mỗi khi gặp phải các trường hợp giao tiếp nhất định với người lớn tuổi và thậm chí cả nhỏ tuổi hơn. Cô lấy một ví dụ chứng tỏ hệ thống kính ngữ trong tiếng Hàn còn có phần "đau đầu" hơn một số ngôn ngữ chịu ảnh hưởng Nho giáo như tiếng Việt.
Chẳng hạn, cô nhớ lại lần đầu Song gặp em gái của chị dâu mình, người kém cô tới 20 tuổi. Song hỏi Kiaer liệu dùng banmal vài giờ sau khi đã nói chuyện có hợp lý không.
Kiaer phải cố gắng tìm cách giải nghĩa một cách nhẹ nhàng. Dù người kia trẻ hơn Song rất nhiều, cô ấy vẫn là thông gia - một quan hệ ràng buộc rõ ràng khác trong giao tiếp của tiếng Hàn. Có 2 cách xử lý, một là tiếp tục dùng cách nói trang trọng, hoặc hai là phải xin phép được dùng banmal. Theo Kiaer, đàm phán trước khi chuyển cách nói là tối quan trọng.
Delia Xu, một người chuyển tới Hàn vào tháng 8 từ Canada đã phải có cách tiếp cận đầy "chiến lược" với ngôn ngữ này. Cô cho rằng việc học trước cấu trúc ngữ pháp trang trọng là rất quan trọng vì không muốn trông có vẻ thô lỗ.
Đi kèm với kính ngữ là một loạt các kiểu cử chỉ giao tiếp không lời và hành vi cần được thực hiện bởi người thuộc bề dưới trong giao tiếp.
Trong một video phổ biến trên YouTube đăng tải năm 2016 với gần 1,3 triệu lượt xem, Bennett đã được dạy một "khóa cơ bản" về nghi thức uống rượu đúng cách ở Hàn Quốc khi có mặt người lớn tuổi. Các quy tắc khá "đau đầu": để tỏ sự kính trọng, bạn phải rót đồ uống bằng 2 tay; quay mặt đi khi uống chén của mình; không bao giờ để ly người lớn cạn lâu; và phải đợi người lớn đặt ly trước rồi mới hạ ly của mình.
Bennett chia sẻ thêm anh còn cố gắng bắt đúng tốc độ uống bia của người lớn tuổi hơn, cũng như đảm bảo ly của họ luôn được rót đầy để không xảy ra tình huống khó xử khi nâng cốc.
Xu cũng thừa nhận rằng việc học quy tắc ứng xử trên bàn nhậu có thể rất khó khăn.
Một di sản đáng lưu tâm
Thật dễ để kết luận những đòi hỏi như vậy ám chỉ một xã hội phân biệt tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên theo Bennett, có vai vế cao hơn cũng đồng nghĩa với nhiều trách nhiệm phải gánh vác.
Anh cho rằng các quy tắc như thế phản ánh một cách đẹp đẽ về việc phụng sự. Anh lấy ví dụ, khi là một người lớn tuổi hơn và đi trước trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, họ cần phải "chiếu cố" các hậu bối. Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, điều đó đồng nghĩa với việc mời người trẻ hơn một bữa ăn, hoặc làm cố vấn về cuộc sống và công việc cho họ.
Một đặc điểm thú vị của văn hóa cấp bậc tại Hàn là xưng hô ngoài xã hội về cơ bản là mở rộng của mối quan hệ gia đình. Chẳng hạn, một người bạn nữ lớn tuổi hơn sẽ không được gọi bằng tên, mà thường gọi là chị (unni với nữ và noona với nam). Tương tự, họ cũng xưng anh với người bạn nam lớn tuổi hơn (oppa nếu người nói là nữ, hyung nếu là nam).
Giáo sư Ro giải thích, "Chúng ta phải hiểu xã hội như một gia đình mở rộng. Nếu bạn gặp một người lớn tuổi hơn, bạn đối xử với họ như anh trai hoặc chị gái của mình. Đó là một cách thú vị để nhìn nhận xã hội, quốc gia và thế giới. Nhân loại chỉ là một phần mở rộng của gia đình mình".
Nhưng Ro thừa nhận rằng ở đâu đó, nguyên tắc tương hỗ của Nho giáo giữa bề trên và bề dưới; trẻ hơn và lớn hơn; hay giữa mối quan hệ nam nữ có phần đã lạc lối tại Hàn.
Đó là một cách thú vị để nhìn nhận xã hội, quốc gia và thế giới. Nhân loại chỉ là một phần mở rộng của gia đình mình.
Giáo sư ngành nghiên cứu tôn giáo Ro Young-chan
Thay vì các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, trong đó sự kính trọng được đưa ra để đổi lấy sự quan tâm và sự tôn trọng được đưa ra để đổi lấy sự hướng dẫn, hệ thống thứ bậc có thể bị viện cớ cho lạm dụng và mất cân bằng quyền lực.
Ví dụ, ở công sở Hàn Quốc, hiện tượng các vị sếp có thẩm quyền quấy rối cấp dưới rất phổ biến nên đã sinh ra một thuật ngữ hiện đại để chỉ hành vi bắt nạt tại nơi làm việc, được gọi là gapjil. Và khi nói đến bình đẳng giới, Hàn Quốc liên tục cho thấy khoảng cách lương theo giới lớn nhất trong số 38 quốc gia thành viên của OECD.
Ngoài ra, phản ứng dữ dội ngày càng tăng của những người đàn ông Hàn Quốc bảo thủ chống lại phong trào nữ quyền đã và đang dần được lấy đà trong những năm gần đây.
Một học giả Hàn Quốc hiện đại, Kim Kyung-il, thậm chí đã kêu gọi loại bỏ hoàn toàn Nho giáo trong một cuốn sách gây tranh cãi.
Tuy nhiên, đối với giáo sư Ro, điều gây hại cho xã hội Hàn Quốc không phải là Nho giáo, mà là sự kém hiểu biết về nó.
Ông nói: "Nho giáo là một truyền thống sống. Nho giáo có tuổi đời 2.500 năm. Chúng ta không thể cứ thế từ bỏ tất cả những điều này. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi (người Hàn Quốc) mang ơn truyền thống này".
Nguồn: BBC Travel