Một vài tuần sau, khi chuẩn bị mở màn, họ sẽ được tập với phục trang thật của vở kịch. Thật tuyệt khi được thấy trang phục phù hợp có thể đưa diễn xuất lên một tầm cao mới như thế nào. Và chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ đó.
Dù muốn hay không, quần áo và vẻ ngoài của bạn cũng nói lên rất nhiều điều về con người bạn. Vấn đề không phải ở chỗ bạn có quan tâm đến thời trang hay không, mà là về những gì bạn chủ ý hay vô tình thể hiện qua lựa chọn về trang phục của mình. Cũng như diễn viên khi mặc đúng trang phục sẽ đi lại và nói năng khác hẳn, những người bình thường chúng ta cũng vậy.
Các chi tiết nói lên điều gì?
Nghiên cứu cho thấy người ta có thể nói rất nhiều về tính cách, quan điểm chính trị, địa vị, tuổi tác và thu nhập của bạn chỉ từ bức ảnh chụp đôi giày của bạn.
Chắc hẳn bạn sẽ kinh ngạc khi đọc bản quy định về trang phục dài 44 trang của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ). Họ quy định chi tiết mọi thứ từ những cái dễ hiểu (nếu bạn đeo đồng hồ, điều đó cho thấy lòng tin và sự tôn trọng giờ giấc rất quan trọng với bạn) cho đến những cái cực kỳ nhạy cảm (nhân viên được hướng dẫn cách tắm táp, bôi dầu tắm, cách mặc đồ lót, và không nên ăn tỏi vào những ngày đi làm).
Họ có thể hơi chuyên quyền, nhưng UBS đúng về một điều: mọi chi tiết mà bạn thể hiện đều truyền tải một cái gì đó.
Không có chuyện đúng sai ở đây. Tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh. Một chiếc cà vạt có thể khiến bạn trông đáng tin và trọng truyền thống. Điều này rất quan trọng ở một quỹ đầu tư (nơi các khách hàng muốn biết bạn nghiêm túc về việc quản lý vốn cho họ), nhưng sẽ bị coi là cổ hủ và bảo thủ ở môi trường startup.
Trang phục tác động đến tư duy
Tất nhiên, ăn mặc chỉn chu làm tăng sự tự tin của bạn, nhưng nó còn mang ý nghĩa nhiều hơn thế. Nghiên cứu cho thấy nó tác động đến cách bạn suy nghĩ. Theo nghiên cứu này, phục trang chuyên nghiệp làm tăng khả năng tư duy trừu tượng và mang lại cho người ta tầm nhìn rộng lớn hơn.
"Sự trang trọng của trang phục không chỉ ảnh hưởng đến cách người ta nhìn nhận bạn, cách bạn nhìn nhận chính mình mà còn ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định", nghiên cứu cho biết. Phục sức chuyên nghiệp tạo ra khoảng cách xã hội. Khi chúng ta có khoảng cách về xã hội, ta có xu hướng suy nghĩ theo hướng rộng hơn và trừu tượng hơn. Một nghiên cứu cho biết khi kể cả tính đến yếu tố địa vị xã hội, những sinh viên ăn mặc chỉn chu nghiêm chỉnh cho thấy thiên hướng xử lý thông tin trừu tượng hơn.
Giả thuyết "lát cắt mỏng"
Thường thì chúng ta xử lý các chi tiết thị giác tức thời qua một quá trình gọi là "lát cắt mỏng". Đó là khi não bộ đưa ra những nhận định nhanh chóng dựa trên một tác nhân kích thích mới. Nó thường xảy ra mà ta không hề biết. Có thể ta có cảm giác không thể tin một người nào đó, hoặc cho rằng ai đó rất đáng tin cậy mà không biết lý do vì sao.
Linh tính ấy, thường được gọi là trực giác hoặc ấn tượng đầu tiên, thực ra là một phần của quá trình tâm lý "lát cắt mỏng". Đó là cách chúng ta liên tục đánh giá sự vật, sự việc qua hình thức bên ngoài của chúng.
Vì thế hãy chọn cách thể hiện cá tính của mình thật cẩn thận. Sự thể hiện này không chỉ bao gồm quần áo, mà cả phụ kiện, đầu tóc, nước hoa, dáng điệu, ngôn ngữ cơ thể, giọng nói, v.v. Hãy nghĩ về một người mà bạn muốn trở thành trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, rồi ăn mặc, phục sức và khoác lên mình vẻ ngoài giúp bạn cảm thấy thoải mái khi nhập vai vào cá tính đã chọn.
Bạn muốn giải quyết rốt ráo một việc gì đó? Hãy mặc cái gì đó màu đỏ, xắn tay áo lên và nói với giọng quyết đoán. Bạn đang muốn mở rộng quan hệ ở một sự kiện nào đó? Hãy mặc cái gì đó tinh tế nhưng không quá gò bó như ở nơi làm việc. Hãy mặc sao cho mình cũng cảm thấy hấp dẫn. Hãy nói ở tông giọng nhẹ nhàng, và để đôi vai được thư giãn.
Nắm quyền kiểm soát cách ăn mặc và xuất hiện trước mặt người khác là một bước quan trọng trong việc thể hiện mình, đạt được mục tiêu của mình và sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn theo đúng ý mình. Vì thế hãy chú ý cẩn thận và nhớ rằng, cả thế giới là một sân khấu lớn.