Chia sẻ của một chàng trai về chuyện hợp đồng tài sản hôn nhân đang trở thành tâm điểm tranh luận trên vài diễn đàn mạng xã hội. Chuyện bắt đầu từ một chàng trai đã chia sẻ về tình huống mà anh đang đối mặt là bạn gái của anh, một người phụ nữ thành đạt và có tiềm lực kinh tế mạnh, đã đề nghị ký kết hợp đồng tài sản hôn nhân trước khi cả hai chính thức về chung một nhà.
Chàng trai kể: "Tôi và bạn gái dự định làm đám cưới. Bạn gái xuất thân từ gia đình khá giả, rất có điều kiện. Bản thân cô ấy cũng rất giỏi, làm ở công ty nước ngoài, lương 2.000 USD mỗi tháng. Còn tôi chỉ là nhân viên quèn lương 10 triệu đồng/tháng. Thời gian yêu nhau vui buồn giận hờn có hết, rồi cả hai cũng vượt qua. Bạn gái tôi hiện có 2 lô đất và sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng là tài sản riêng của cô ấy.
Vừa rồi bạn gái tôi nói muốn làm hợp đồng tài sản hôn nhân, vì cô ấy giỏi, tài sản làm ra nhiều. Sau đám cưới cô ấy sẽ mua nhà riêng cho hai vợ chồng ở, nhưng tiền cô ấy bỏ ra mua nên nhà phải đứng tên cô ấy, là tài sản riêng, tôi không được phép đứng tên chung. Tiền cô ấy làm ra sẽ được chia làm 2 phần; một phần là tiền sinh hoạt gia đình và dư dả một chút tiết kiệm chung; một phần là tiền riêng của cô ấy (không có chuyện cô ấy làm lương cao, chồng lương thấp tịt mà đòi hưởng hết phần của cô ấy).
Bạn gái nói rằng, ở với cô ấy, tôi sẽ được ăn ngon mặc đẹp, được hưởng thụ vật chất sung sướng, không lo thiệt thòi, nhưng tiền bạc tài sản phải có hợp đồng hôn nhân rõ ràng. Vì tài sản cả đời cô ấy gây dựng phải là của cô ấy và để lại cho con. Còn chồng nếu đàng hoàng từ tế thì được hưởng xái sống sung sướng; chồng không ra gì thì cô ấy sẽ bỏ. Có phải cô ấy quá tính toán và đề phòng với tôi không? Lấy vợ giàu thấy nhiều áp lực".
Bài đăng này được sao chép, chụp lại và chia sẻ trên rất nhiều diễn đàn và trở thành chủ đề bàn luận, tranh cãi sôi nổi.
Rất nhiều ý kiến ủng hộ hành động và quan điểm của cô gái, cho rằng việc ký kết hợp đồng tài sản trước hôn nhân là cần thiết và hợp lý, rằng hợp đồng này giúp giảm thiểu những xung đột, tranh chấp trong tương lai khi có sự rạn nứt tình cảm hoặc tan vỡ hôn nhân: "Cô gái này làm vậy là quá tỉnh táo, tiền bạc phải rõ ràng ngay từ đầu, không ai biết được tương lai, nhỡ chồng ngoại tình thì cũng còn tài sản cho bản thân và con cái".
"Đây không chỉ là cách bảo vệ tài sản cá nhân, mà còn là biện pháp để duy trì sự công bằng và rõ ràng ngay từ đầu"; "Cô gái đã hành động đúng khi bảo vệ thành quả lao động của mình. Tài sản trước hôn nhân là của riêng mỗi người và việc muốn bảo vệ nó là điều dễ hiểu, đặc biệt khi có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa hai người"...
Đối với phản ứng bất bình của chàng trai, nhiều cư dân mạng có thái độ chê trách nhẹ: "Người ta lấy vợ, về phải nộp lương. Bạn không phải nộp mà còn được cho thêm, sướng nhất rồi còn gì"; "Nếu bạn giỏi kiếm nhiều tiền thì cũng có thể mua đất tự đứng tên, cô ấy sẽ đồng ý thôi, chẳng lẽ bạn đòi đứng tên tài sản tạo ra từ công sức của người khác"; "Cô ấy tính toán nhưng đã tính toán cho anh có cuộc sống sung túc rồi mà, cô ấy vẫn là trụ cột kinh tế gia đình đó thôi"...
Ngược lại, nhiều người hoàn toàn đồng cảm với chàng trai, cho rằng hạnh phúc gia đình không nên bị những toan tính tài chính ảnh hưởng, hợp đồng tài sản hôn nhân có thể làm tổn thương đến tình cảm và lòng tự trọng của người đàn ông: "Với mức lương ít ỏi, chàng trai có thể cảm thấy bị áp lực và mất đi tiếng nói trong mối quan hệ nếu phải ký vào một bản hợp đồng quy định về tài sản".
"Nếu lấy phải vợ mà bị lép vế thế này chi bằng lấy vợ nghèo mà hạnh phúc còn sung sướng hơn"; "Đòi ký hợp đồng tài sản như vậy có khác gì tát vào lòng tự trọng của bạn trai, của chồng công vợ thì được mà của vợ công chồng lại không được sao?"...
Ở Việt Nam, yêu cầu ký kết hợp đồng bảo vệ tài sản trước khi kết hôn dễ bị coi là biểu hiện thiếu tin tưởng và tôn trọng đối phương, xem trọng tiền bạc hơn tình cảm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bạn trẻ thẳng thắn đối mặt với chuyện này, coi đây là một cách thực tế để bảo vệ quyền lợi và tránh những rắc rối về sau, khi hôn nhân không như ý muốn.
Câu chuyện trên xuất hiện trên mạng đã mấy ngày nhưng vẫn tiếp tục được chia sẻ, mỗi bài viết đều có hàng nghìn lượt tương tác với những tranh cãi trái chiều, điều đó cho thấy hợp đồng tiền hôn nhân liên quan đến tài sản vẫn bị coi là vấn đề tế nhị, nhạy cảm.