Vào ngày nọ, Alexander Sway - một nhân viên môi giới bất động sản - tình cờ bắt gặp một quả thông trong chuyến đi dạo của mình. Mẫu vật đẹp đẽ này đã truyền cảm hứng cho anh làm một bản sao bằng bìa cứng của nó. Anh đã tự học về thiết kế 3 chiều, cách sử dụng máy in 3D và máy cắt laser tại thư viện địa phương. Kế hoạch thành công mỹ mãn, Sway có được cho mình một chiếc chao đèn với hình dạng độc đáo.
Vì vậy, khi bạn gái của Sway nói đùa rằng cô ấy muốn sở hữu một chiếc túi xách Hermès Birkin sang trọng - mà cả 2 người đều biết rõ rằng mình không có đủ khả năng mua nó - Sway đã quyết định tự tay làm một chiếc cho cô.
Dù vậy, thực tế là Sway vốn không biết gì về việc may một chiếc túi xách, chứ đừng nói đến Birkin, một trong những phụ kiện được các tín đồ thời trang "thèm khát" nhất.
Mỗi chiếc túi Birkin mới có giá lên đến 10.000 USD (khoảng 235 triệu đồng) nhưng không phải ai cũng là người may mắn trong danh sách chờ đợi dài dằng dặc của hãng. Thậm chí, giá những chiếc túi này có thể lên đến 6 con số đối với phiên bản làm từ loại da đặc biệt.
Nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ của người Mỹ chưa bao giờ cao hơn thế và những chiếc túi xách cũng không còn đơn thuần là một phụ kiện thời trang mà chúng đã trở thành một biểu tượng đại diện cho địa vị xã hội và cuộc sống tốt đẹp.
Chính điều này đã khiến việc tiếp cận với những chiếc túi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người muốn dùng phiên bản DIY - sản phẩm có chất liệu kém hơn nhưng kiểu dáng tương tự.
Thế nhưng việc một người chưa bao giờ làm túi lại muốn may một chiếc túi Birkin có thực sự khả thi?
Các nghệ nhân của Hermès đã được đào tạo trong nhiều năm, thậm chí phải tập các bài tập tay đặc biệt để phát triển cơ bắp, nhưng họ vẫn mất hàng chục giờ để tạo ra một chiếc túi duy nhất. Được giới thiệu vào năm 1984 và được đặt theo tên của nữ diễn viên kiêm ca sĩ người Anh nổi tiếng - Jane Birkin - chiếc túi là biểu tượng địa vị vượt qua cả giới thời trang.
Quay trở lại năm 2001, trong chương trình "Sex and the City", nhân vật Samantha đã nói: "Khi tôi đi vòng quanh thành phố với chiếc túi đó trên tay, tôi biết mình đã thành công".
Ngày nay, những chiếc túi này không còn là thứ gì đó quá xa lạ mà chỉ giới mộ điệu thời trang mới biết. Giá trị của những chiếc túi trên thị trường thứ cấp cũng tăng mạnh. Điều này có thể giải thích tại sao người bạn gái vốn yêu thích các hoạt động ngoài trời hơn là những chiếc túi hàng hiệu của Sway lại mong muốn có được chiếc Birkin, và tại sao Sway lại cố gắng tạo ra một phiên bản thủ công cho bạn gái mình như vậy.
Cả hai đều lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính, khiến họ nhìn nhận cuộc sống và những thứ mà bản thân muốn theo một cách sáng tạo hơn rất nhiều. "Khi muốn thứ gì đó mà không nhất thiết phải mua, chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế", Sway cho biết.
Với kinh nghiệm tạo ra quả thông, Sway tin rằng một chiếc túi Birkin hoàn toàn nằm trong khả năng của mình. Anh đã xem các video về quá trình sản xuất của Birkin, kiểm tra cấu tạo của các sản phẩm túi xách khác mà bạn bè hoặc gia đình cho mượn, đồng thời tìm kiếm một mô hình không chính thức trên mạng cho một chiếc túi xách.
Về phần nguyên liệu, Sway đã mua một tấm da có in hoạ tiết da cá sấu trị giá 80 USD (khoảng 1,9 triệu đồng), một tấm da bê cùng giá tiền, và các công cụ cần thiết khác với mức giá vài trăm USD.
Để giữ bí mật kế hoạch với bạn gái, anh đã tiến hành làm việc tại nhà của bố mẹ và anh trai trong khoảng một tháng, với tổng thời gian làm lên đến 60 giờ.
Vào thời điểm đó, mẹ Sway - nhà lập kế hoạch tài chính Lushia Tsway - đã nghĩ: "Ôi Chúa ơi, như thế này là hơi quá. Nhưng thế giới không được tạo ra bởi những người như tôi, mà được tạo ra bởi những người dũng cảm như Alex, những người có ý tưởng và dám thực hiện nó". Có lần, bà Tsway còn phải "chạy đua" để trùm chăn lên chiếc túi xách đang làm dang dở khi bạn gái của con trai đột nhiên ghé thăm mà không báo trước.
Quá trình hoàn thành một chiếc túi không hề đơn giản. Để khâu các mảnh lại với nhau, người làm phải đục sẵn 1.000 chiếc lỗ với cùng kích thước và khoảng cách. Ban đầu, Sway chẳng may đục một lỗ quá nhỏ so với kích thước sợi chỉ, vì vậy anh phải làm lại từng lỗ một cách tỉ mỉ. Mất tự tin, các ngón tay tê cứng sau thời gian dài làm việc, anh gần như bỏ cuộc giữa chừng.
Chưa hết, một rào cản khác ngăn chặn nỗ lực của anh là cấu trúc của chiếc túi. Những sản phẩm cổ điển của Birkin thường có đường may được giấu bên trong túi, tạo ra các cạnh bo tròn mềm mại. Cách làm này sẽ khiến người làm khó kiểm soát được hình dáng cũng như độ đồng đều của từng chi tiết khâu và sẽ chẳng phải là việc đơn giản nếu không có xưởng may phù hợp hoặc bàn tay thành thạo của chuyên gia.
Nhưng dù nó có lồi lõm không đều, hay trông quá giả so với một chiếc túi Birkin, điều đó cũng không quan trọng đối với bạn gái Sway - MJ Kim. Tất cả những chi tiết vụng về đó đều là lời chứng minh rằng bạn trai thực sự quan tâm đến cô.
Trên thực tế, những người yêu thích "bộ môn" DIY thường có một lượng lớn khán giả theo dõi trên mạng xã hội, nơi tập hợp những người ủng hộ tính bền vững trong thời trang, những người hâm mộ đồ xa xỉ nhưng không có đủ điều kiện mua, cùng những sinh viên thời trang cố gắng tạo ra sản phẩm của riêng họ. Điển hình là Ilse Veening, một sinh viên đại học 21 tuổi ở Hà Lan, từng gây sốt cộng đồng mạng với video về chiếc túi xách làm từ rác tái chế trông giống hệt như một chiếc túi Chanel.
Các mặt hàng thủ công nhái theo thương hiệu xa xỉ, đặc biệt là những mặt hàng không có mục đích bán ra bên ngoài, thường rơi vào "vùng xám" của luật nhãn hiệu. Hermès đã đăng ký bản quyền cho hình dáng và thương hiệu Birkin ở Mỹ, nhưng họ lại từ chối bình luận về chiếc Birkin tự chế của Sway.
Chỉ biết rằng video về quá trình làm việc của Sway đã thu hút hàng triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận, nhiều người trong số đó ca ngợi anh là một người bạn trai tuyệt vời. Một người xem để lại bình luận: "Nỗ lực vì tình yêu", trong khi một người khác cho biết: "Tôi đang gửi video này cho chồng tôi".