Nhiều dân văn phòng rơi vào vòng lặp vô tận: Đi làm - áp lực cao - chi nhiều tiền cho mua sắm - không để dành được đồng nào cho quỹ tiết kiệm... Cuộc sống cứ thế trôi qua và sau nhiều năm đi làm, họ luôn tiêu hết sạch lương kiếm được, không sở hữu được tài sản lớn. Nhưng thật may, có những người trẻ đã tỉnh ngộ, từ chối bị cuốn theo vòng xoáy tài chính vô tận này.
Hết tiền ngay khi vừa nhận lương
Lê Hiền (27 tuổi, Đắc Lắc) cho hay, như nhiều người trẻ khác, cô thường xuyên rơi vào cảnh trót mua sắm quá mức. Lúc tài khoản được lấp đầy bởi tiền lương hàng tháng cũng là lúc cô hay nghĩ đến việc mua sắm món đồ gì đó, coi như tự thưởng cho bản thân sau chuỗi ngày làm việc vất vả. Tình cảnh tháng nào cũng tiêu hết sạch lương kiếm được, tệ hơn là vừa nhận được lương thì tài khoản đã về 0 cũng bắt đầu từ đây.
"Thường thì ngân sách chi tiêu cho việc mua sắm của mình khoảng 3-4 triệu đồng, chiếm khoảng 15% thu nhập. Những khoản mua sắm chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, sách, quần áo, mỹ phẩm... Nhưng có những lần gặp chuyện gì đó buồn phiền, áp lực công việc, mình thường lựa chọn mua sắm nhiều hơn để giải tỏa. Quả thực là có tác dụng về mặt cảm xúc, nhưng tài chính thì không", cô bạn tâm sự.
Một trường hợp khác, Tuấn Linh (25 tuổi) cho biết dù đã đi làm được khoảng 3 năm, song tài khoản tiết kiệm của chàng trai vẫn khiêm tốn vô cùng. Nguyên nhân bởi lẽ, anh thường xuyên tiêu hết sạch tiền lương kiếm được, dù giờ đây mức thu nhập của Tuấn Linh không quá thấp, là 20 triệu/tháng.
Tuấn Linh chia sẻ về các khoản tiêu dùng hàng tháng: 5 triệu tiền thuê nhà; 5 triệu chi phí ăn uống; 7 triệu cho khoản tiêu dùng cần thiết, mua sắm đồ yêu thích; 3 triệu còn lại là dành cho vui chơi cuối tuần, đầu tư vào bản thân,...
Theo Tuấn Linh, anh có nhiều thói quen chi tiêu xấu khiến bản thân khó tiết kiệm được. Và đây sẽ là điều Tuấn Linh cần thay đổi càng sớm càng tốt. Anh chàng chia sẻ: "Theo những gì quan sát được, không riêng mình mà nhiều người sống một mình khác thường chi rất nhiều cho thú vui cá nhân. Thêm nữa, ở một mình tức là bất kỳ khi nào bạn bè rủ đi chơi, du lịch thì bản thân đều có thể đi luôn, không vướng bận tài chính và sự cấm cản của phụ huynh.
Tuy nhiên, phần lớn lý do khiến mình không tiết kiệm được là vì chưa có động lực tích góp, dẫn đến chi tiêu quá tay. Nếu bên cạnh mình có ai đó nhắc nhở cần tích luỹ tiền nong, để dành cho con cái hay mua tài sản để an cư lạc nghiệp, mình sẽ có xu hướng tiêu tiền có mức độ kiểm soát hơn".
Bí quyết tiết kiệm tiền lương của dân văn phòng
Để thoát khỏi cảnh luôn tiêu hết sạch số tiền kiếm được, Lê Hiền đã phải nhắc nhở bản thân phải luôn dành 30% thu nhập để tiết kiệm.
Cô bạn chia sẻ: "Thời gian này, ai cũng đều có những khó khăn về mặt tài chính riêng. Càng những lúc như thế, mình càng cảm thấy việc tiết kiệm trở nên quan trọng hơn. Khi có 1 khoản tiết kiệm, mình tự tin hơn với những tình huống khẩn cấp xảy đến như thất nghiệp, giá cả leo thang hay điển hình là tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay".
Để không gặp tình trạng tiêu quá số tiền đang có, Lê Hiền lập sẵn 1 tài khoản tiết kiệm riêng. Ngay khi vừa nhận lương, cô bạn mặc định chuyển 30% tiền lương vào tài khoản đó. Đây gần như là số tiền "bất khả xâm phạm:. Nếu không cần dùng khẩn cấp, Lê Hiền sẽ không bao giờ chi tiêu vào số tiền này.
"Khi nhìn thấy một phần tiền lương hàng tháng được giữ lại, và ngày càng sinh lãi, mình sẽ càng muốn tiết kiệm được nhiều hơn. Chính điều này khiến mình buộc phải chi tiêu hiệu quả hơn để không vượt quá số tiền cho phép", cô bạn nói thêm
Một trường hợp khác, Phạm Hằng (25 tuổi) cho hay do không biết kiểm soát tài chính, nên ngay cả khi tiền lương tăng cao, cô không chỉ tiêu hết sạch mà còn rơi vào cảnh nợ tín dụng. Sau thời gian mang nợ, cô đặt lên đầu ghi chú tài chính của mình. "Tuyệt đối không được tiêu nhiều hơn số tiền mình có khả năng kiếm được!". Bên cạnh đó, cô còn nói không với cà thẻ tín dụng bừa bãi, để không làm xấu điểm tín dụng mà còn hạn chế chi tiêu phung phí.
Hằng chia sẻ: "Khoảng thời gian mình có khoản nợ tín dụng đã khiến mình nhận ra rất nhiều điều. Dù lương cao, mà không biết chi tiêu hợp lý thì vẫn có nợ. Việc nợ thẻ tín dụng, dù chỉ vài tháng thôi nhưng cũng đã khiến mình sợ. Mình cố gắng trả hết nợ trong vòng vài tháng để tránh lãi cao. Trong những tháng đó, mình đã phải cắt hết nhu cầu không cần thiết, tập trung thu nhập để trả nợ. Cảm giác đó thật sự không dễ chịu gì.
Vậy nên, sau này mình không dám cà thẻ tín dụng vượt quá hạn mức. Tự đặt ra những mốc chi tiêu của riêng mình rất quan trọng. Mình cũng hạn chế dùng thẻ hơn, thay vào đó là dùng tiền mặt để dễ kiểm soát".