Từ trước đến nay, văn phòng vẫn thường được biết đến như là một môi trường làm việc vô cùng lý tưởng, nơi có điều hòa chạy ro ro cả ngày trời, mưa không tới mặt nắng chẳng tới đầu và khói bụi chẳng có cơ hội làm ảnh hưởng đến làn da. Những tưởng bấy nhiêu điều kiện ấy là vô cùng lý tưởng cho một nhân viên ngày ngày đi làm công sở; thế nhưng, một nghiên cứu được tiến hành bởi đại học Arizona đã chỉ ra điều khiến nhiều người giật mình thảng thốt.
Theo nghiên cứu, bàn làm việc của nhân viên văn phòng vô cùng bẩn. Cái chỗ mà ngày ngày người đi làm công sở vẫn ngồi gọi điện cho khách hàng, gửi mail cho đối tác hoặc làm báo cáo,... bẩn gấp 400 lần cái bồn cầu. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bàn làm việc của nam nhân viên văn phòng thường bẩn gấp 3 - 4 lần so với bàn của nữ nhân viên. Điều này không đồng nghĩa với việc anh em nam giới ăn ở kém vệ sinh hơn chị em. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng là do bàn của đàn ông thường to hơn, dẫn đến diện tích bề mặt lớn hơn, dễ tích tụ vi khuẩn hơn.
Bàn làm việc bẩn khiến nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến vệ sinh của nhân viên văn phòng ngày một tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đề phòng bằng cách thường xuyên vệ sinh những "điểm nóng" tích tụ vi khuẩn. Dưới đây là những vật dụng trên bàn làm việc mà dân văn phòng nên lưu ý dọn dẹp hoặc thay mới để tránh ảnh hưởng xấu đến với sức khoẻ.
1. Bàn phím, chuột và điện thoại
Khi vừa mới vào công ty, những vật phẩm dân văn phòng thường được cấp để sử dụng chính là máy tính và điện thoại. Và tất nhiên, nhiều khả năng, những thứ này chẳng phải là đồ mới mà đã được sử dụng qua nhiều lần rồi chuyền từ người này sang người khác. Được "sang tên đổi chủ" nhiều lần, chắc chắn vấn đề vệ sinh của các bộ phận máy tính (bàn phím, chuột) và điện thoại là thứ đáng quan ngại nhất.
Thật vậy, các xét nghiệm cho thấy, bàn phím và chuột có chứa một lượng vi khuẩn cực lớn, gấp cả chục lần một chiếc bồn cầu công cộng. Sở dĩ bẩn như vậy là vì thói quen sử dụng của đa số nhân viên văn phòng, cộng thêm việc chúng là những vật dụng tương đối khó vệ sinh. Cũng không khác với số phận của máy tính, dù chỉ bẩn hơn bồn cầu tầm chục lần, nhưng câu chuyện vệ sinh của điện thoại lại đáng lo hơn rất nhiều, vì chúng ta thường xuyên đưa chúng đến những vị trí nhạy cảm như tai và miệng để có thể sử dụng.
2. Giấy tờ, cốc uống nước
Phàm là dân văn phòng thì câu chuyện tiếp xúc với các loại giấy tờ là vô cùng hiển nhiên. Hàng ngày, người làm việc trong môi trường công sở phải chạm tay vào vô vàn loại giấy khác nhau, có thể được kể đến như giấy ghi chú, hóa đơn chứng từ, sách, báo… Về cơ bản, giấy không quá bẩn nhưng đặt trường hợp chúng được chuyền tay nhiều lần thì lại khác. Bên cạnh đó, việc lưu giữ giấy tờ trong thời gian dài cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển một cách mạnh mẽ. Nếu người đang ốm vô tình tiếp xúc với giấy tờ, thì chúng cũng có khả năng trở thành nguồn trung gian gây bệnh.
Kinh khủng hơn cả giấy cũng như máy tính và điện thoại, chiếc cốc mà dân văn phòng đang sử dụng hàng ngày chính là ổ vi khuẩn ngầm. Theo thử nghiệm từ một số văn phòng, có tới 90% cốc uống nước có chứa vi khuẩn bao quanh. Đặc biệt, 20% có cả... vi khuẩn từ phân. Điều này vô cùng đáng quan ngại bởi lẽ, chiếc cốc là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể thông qua đường ăn uống, khá dễ để vi khuẩn có thể thâm nhập và tấn công.
3. Và cả bút viết nữa
Nếu có thứ gì đó được chuyền tay nhiều nhất trong văn phòng thì đó đích thị là chiếc bút. Người này mượn, người kia tiện tay cầm khiến bút trở thành thứ dễ tích tụ vi khuẩn bậc nhất. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen ngậm hoặc cắn bút; điều này không hợp vệ sinh một chút nào. Nếu chẳng may chiếc bút ấy vừa được cầm bởi một người đi vệ sinh mà quên rửa tay thì sao?
"Cẩn tắc vô áy náy", có những thứ tưởng chừng là an toàn nhưng lại chẳng thật sự vô hại như vẻ bề ngoài của chúng. Dân văn phòng đừng ỷ lại hoặc vô tư trong cách sử dụng đồ dùng để tránh mang bệnh vào người.