Hy sinh vì tương lai của con
Cha mẹ sinh con ai cũng mong muốn con mình thành rồng, thành phượng. Tuy nhiên, cho đến khi bà Trần chia sẻ về câu chuyện của chính mình trên nền tảng Toutiao, nhiều người lại có những suy nghĩ khác. Bởi chính cụ bà 74 tuổi này còn phải thốt lên: “Tôi chỉ mong muốn con mình là người bình thường”.
Trước khi về nghỉ ngơi theo chế độ, vợ chồng bà Trần là giáo viên tiểu học. 2 người sinh được 1 người con trai vô cùng ngoan ngoãn. Do bố mẹ là giáo viên nên anh con trai được nuôi dạy rất cẩn thận. Trong khi các bạn đồng trang lứa ở năm 4 tuổi vẫn đòi mẹ mua đồ chơi, con trai bà Trần đã có thể làm các phép toán cộng, trừ một cách thành thục.
Cho đến khi đi học từ lớp 1 đến đại học, nam thanh niên này luôn đạt thành tích học tập xuất sắc. Anh thi đỗ vào cấp 3 hay đại học một cách dễ dàng.
Cho đến năm cuối đại học, con trai bà Trần làm hồ sơ đi du học ở nước ngoài và được nhận học bổng hỗ trợ 30%. Vẫn còn 70% tiền học, nên anh con trai buộc phải chia sẻ điều này với bố mẹ để nhận được sự hỗ trợ. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình bà Trần khi đó còn gặp khó khăn. Họ hàng đều khuyên bà nên cho con trai ở nhà. Bởi họ cũng chỉ có 1 người con duy nhất để dựa vào.
Bỏ ngoài tai những lời khuyên đó, vợ chồng bà Trần tìm đủ mọi cách để con trai có đủ kinh phí ra nước ngoài học tập. Ở thời điểm đó, bà quyết định bán căn nhà đang ở trong thành phố với mức giá 1 triệu NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng), chuyển ra ngoài ô sinh sống trong một căn hộ nhỏ hơn nhằm dư tiền cho con thực hiện giấc mơ của mình.
Sau khoảng gần 1 năm chuẩn bị, cuối cùng, con trai bà Trần cũng đủ điều kiện để ra nước ngoài học tập. Không làm bố mẹ thất vọng, sau khi hoàn thành chương trình học, anh con trai nhanh chóng kiếm được việc làm tại đó với mức lương khiến nhiều người phải mơ ước.
Cuộc sống tuổi già cô đơn
Có con cái thành đạt, giỏi giang, ai cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với vợ chồng bà Trần. Nhiều người nói rằng ông bà nuôi con khéo nên chắc chắn tuổi già sẽ an nhàn.
Tuy nhiên, cách đây 6 năm, khi đó, con trai ông bà đã bước sang tuổi 32 nhưng vẫn chưa bàn đến chuyện lấy vợ. Lo lắng cho tương lai của con, vợ chồng bà Trần thường gọi điện để cố gắng thuyết phục con trai nên tìm kiếm bạn gái nhằm xây dựng gia đình. Song, anh con trai thường phản ứng một cách thái quá với những lời khuyên đó.
Bị con trai nói những lời khó nghe, ông bà Trần cũng không muốn gọi điện để khuyên bảo. Còn anh con trai thì quanh năm không bao giờ chủ động gọi điện về nhà. Theo thời gian, con trai và bố mẹ như những người xa lạ. Có khi đến cả tháng, họ không gọi điện cho nhau lấy 1 cuộc.
2 năm trước, ông Trần bị ngã cầu thang phải nhập viện. Lo lắng ông cụ không thể qua khỏi, bà vội gọi điện cho con trai để báo tình hình. Tuy nhiên, thái độ của người con khiến bà vô cùng thất vọng.
“Tôi gọi đến hơn 10 cuộc điện thoại nhưng nó không nhấc máy. Cho đến chiều ngày hôm sau, con trai mới liên lạc về. Dẫu vậy, con trai chỉ nhắn vỏn vẹn vài dòng là không thể về và chuyển khoản số tiền 100.000 NDT.
Thực ra, ca phẫu thuật của ông xã không cần đến số tiền nhiều như thế bởi bảo hiểm sẽ chi trả phần lớn. Song, điều mà vợ chồng tôi mong muốn ở con trai là sự hiện diện của nó ở bên chứ không phải số tiền này”, bà Trần vừa khóc, vừa kể lại.
Mới đây, con trai bà Trần về nước và dẫn theo bạn gái. Vợ chồng bà mừng ra mắt bởi hy vọng chuyến này các con sẽ về nước hẳn, sau đó kết hôn và sinh con. Tuy nhiên, khi nghe kế hoạch của con trai, vợ chồng bà vô cùng thất vọng.
Thực ra, con trai bà về nước đúng 8 ngày chỉ để làm thủ tục định cư ở nước ngoài. Sau đó, họ rời đi luôn. Dẫu cho vợ chồng bà Trần có khuyên thế nào, anh con trai vẫn khẳng định: “Con tự quyết định được cuộc đời của mình. Con không cần lúc nào cũng bị bố mẹ kiểm soát con như vậy”.
Nuôi con trai lớn khôn, có công việc ổn định, bản thân vợ chồng bà Trần cũng có mức lương hưu ổn đỉnh không cần phải dựa vào ai. Tuy nhiên, ở những năm tháng cuối đời, họ lại không cảm thấy hạnh phúc. Bởi ông bà không được trông thấy cảnh gia đình con cháu sum họp. Luôn luôn, chỉ có 2 thân già tự xoay xở cuộc sống hiện tại.
Khi còn nhỏ, cha mẹ chỉ mong con phát triển khỏe mạnh. Lớn hơn một chút, cha mẹ bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn, mong con học tốt, tránh xa những thứ tiêu cực. Và lúc con bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học, cha mẹ mong con mình sau khi tốt nghiệp tìm được một công việc tốt.
Những kỳ vọng của cha mẹ đều hướng đến mục đích chung là mong con nên người, có cuộc sống vui vẻ. Thế nhưng càng lớn, với những bộn bề của cuộc sống, công việc, nhiều người hiếm khi quan tâm xem cha mẹ thật sự cần gì ở mình. Dù không nói ra, song cha mẹ nào cũng mong được con cái kề cận, yêu thương mỗi ngày.
Vậy nên với cương vị của những người làm con không thể chỉ dùng tiền bạc để bày tỏ lòng hiếu thảo mà còn cần cảm nhận nhu cầu của bố mẹ bằng cả tấm lòng. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới làm tròn trách nhiệm của 2 từ “hiếu thảo”.