Akab, 12 tuần tuổi, đã chết vì bị bỏ đói. Cậu bé này chỉ là một trong hàng nghìn em bé tại thị trấn Deir Ezzor có nguy cơ chết đói. Thị trấn Deir Ezzor từng là trung tâm ngành công nghiệp dầu sầm uất tại Syria. Nhưng kể từ khi bị IS bao vây, thị trấn này trở thành địa ngục nơi hàng nghìn người mắc kẹt trong đói khát.
Khẩu phần ăn một tháng của người dân Deir Ezzor là một ít spaghetti, hai bánh mì kẹp pho mát, 200g bơ, 100g đường và 2 gói cam khô. Cách duy nhất để cung cấp thực phẩm cho thị trấn là qua máy bay quân sự.
“Nhiều trẻ em chết vì đói. Bệnh viện tràn ngập trẻ em bị đói” – Abul Qasim, một chủ doanh nghiệp vừa trốn thoát khỏi Deir Ezzor kể lại: “Tất cả trẻ em bị mắc kẹt tại Deir Ezzor đều bị suy dinh dưỡng. Các bé bị tiêu chảy và mắc nhiều bệnh khác vì đói”.
Bé Akab trông vẫn khỏe mạnh (trái) chỉ vài ngày trước khi qua đời vì suy dinh dưỡng.
Bên cạnh Akab, một bé trai 12 tuần tuổi vừa tử vong vì đói, một em bé khác là Rafif Fanoush cũng vừa qua đời tháng trước. Những hình ảnh trên Twitter cho thấy sự khác biệt quá lớn giữa một Fanoush khỏe mạnh chỉ vài tháng trước với thi thể hốc hác, da bọc xương, nặng chỉ 5kg khi qua đời.
Bé Othman, 5 tuổi, hiện vẫn đang thoi thóp. Từ một cậu bé mũm mĩm, giờ đây bé Othman chỉ biết nằm gục một chỗ.
Còn với bé Akab, được sinh ra giữa lúc đen tối nhất, là trường hợp thảm thương nhất. Mẹ của Akab thậm chí còn không đủ sữa nuôi con. Cô Manar phải cho Akab ăn hỗn hợp tinh bột và trả thảo dược khiến bé bị suy dinh dưỡng, thiếu máu.
Bé Rafif mũm mĩm (trái) trước khi chỉ còn da bọc xương do quá thiếu ăn.
Giờ đây, khi con trai chết, cô Manar cũng bỏ ăn. Cô chỉ muốn chết vì không thể chăm sóc con đầy đủ.
Nhiều trẻ sơ sinh khác cũng đang phải đối mặt với tương lai ảm đạm. Những người mẹ quá đói nên không có sữa. Trẻ sơ sinh được ăn đường pha loãng với nước thay thế. Abdullah, 28 tuổi, một sinh viên cho biết: “Chúng tôi chỉ muốn chết đi mỗi khi nhìn thấy con em khóc vì đói”.
Abul Qasim là một chủ doanh nghiệp đã trốn ra ngoài nói rằng: “Thật khủng khiếp! Tôi không thể nuôi được vợ con, gia đình. Mọi người quá yếu vì thiếu lương thực. Họ bị bệnh tật nhiều. Tôi còn không dám ăn để nhường cho vợ con.”
Cậu bé Othman đang nằm thoi thóp không biết có thể sống đến bao giờ.
Abu Zufian, một người sống sót, cho biết người dân trong thành phố giành giật bất kỳ thứ gì để ăn.
“Tại Deir Ezzor, không còn gì bình thường nữa. Mọi người ở chết trong nhà. Bạn sẽ chỉ nhìn thấy người dân ở các trạm kiểm soát quân đội, hoặc ở bệnh viện vì đó là nơi trẻ em chết vì đói, người già chết vì không có thuốc”.
“Không có bữa sáng hoặc bữa trưa. Nếu tìm được gì ăn, người ta sẽ nấu ngay, ngay cả lúc nửa đêm. Họ sẵn sàng đánh thức con cái dậy nếu có đồ ăn, dù đó chỉ là nước nóng với muối hay bánh mì”.
Người dân Deir Ezzor xếp hàng để lấy nước.
Abul Qasim kể lại: “Mọi người không có tiền. Họ sống bằng bánh mì. Hàng xóm của tôi, Ahmad, đổi điều hòa lấy 2kg gạo để nuôi vợ con. Có người bán nhà lấy tiền mua thức ăn”.
Có người ăn cả cây dại, rễ cây, cỏ, thậm chí ăn thịt chó mèo, ăn thịt lừa.
Zufrian kể có lần ông thấy một người đàn ông 50 tuổi đi bán con để lấy tiền mua thức ăn cho bốn đứa con khác. Ông muốn bán nhà nhưng chẳng ai có tiền mua, vì thế ông phải bán con thôi. Phụ nữ và trẻ em gái đi bán dâm để lấy gói bánh mì hoặc 1kg gạo. Có người bán ôtô để đổi lấy 4kg sữa. Mọi người muốn bán tất cả mọi thứ để đổi lấy gạo hoặc bất kỳ đồ ăn nào.
Khẩu phần ăn ít ỏi của một người dân trong tháng. Người dân bây giờ sẽ ăn bất kỳ thứ gì tìm được, dù là chó, mèo, rau dại,…
Các loại thực phẩm thiết yếu như bánh mì, gạo, thịt, dầu ăn, rau xanh… đã tăng gấp 100 lần so với trước chiến tranh. Một ổ bánh mì có giá 30 bảng (gần 1 triệu đồng), 1kg gạo có giá 55 bảng (khoảng 1,7 triệu đồng), 1 lít dầu ăn có giá khoảng 1,1 triệu đồng,…
Ông Zufian từng cho một người qua đường ít trái cây và anh ta đã bật khóc vì suốt 1 tháng trời, anh ấy chưa hề ăn rau tươi hoặc hoa quả.
Cuộc sống tốt đẹp,có nhà, có xe, hạnh phúc êm ấm,… của người Deir Ezzor đã thực sự biến mất. Để có thể rời khỏi khu vực bị bao vây, ông Zufian đã trả 25.000 USD để cả gia đình trốn đi.
Hiện chỉ có 3 loại người có thể nhận thức ăn gồm: Người có gia đình làm việc trong chính quyền hoặc có quyền tiếp xúc với nguồn thực phẩm, những người có tiền từ trước chiến tranh và những người có gia đình làm việc ở nước ngoài gửi tiền về. Những người không tiền thì sẽ không mua được thức ăn và cũng chẳng có công việc nào làm ra tiền bây giờ cả.
Nguồn: Dailymail