Bàn tay nhiễm trùng nặng sau 3 ngày bị máy bóc gỗ lóc da - Ảnh 1.

Bác sĩ xử trí vùng da bị tổn thương cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo bệnh nhân chia sẻ, sau khi bị tai nạn với máy bóc gỗ, bàn tay trái bị lóc toàn bộ da, gia đình đã đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhà cấp cứu và được khâu phần da lóc. Tuy nhiên, sau 3 ngày, bàn tay trái ngày càng đau đớn, sưng nề, có mủ lẫn máu rỉ thấm băng gia đình đã xin chuyển viện đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương điều trị.

Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Xuân Chiến - Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Bệnh nhân đang được điều trị nhiễm trùng, cắt lọc, làm sạch vùng da tổn thương, khi sức khỏe ổn định sẽ tiến hành phẫu thuật ghép da, tuy nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian.

Bàn tay nhiễm trùng nặng sau 3 ngày bị máy bóc gỗ lóc da - Ảnh 2.

Bàn tay bị nhiễm trùng nặng của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Chiến khuyến cáo: Với những tai nạn nghiêm trọng như lóc da, đứt rời chi thể... do tai nạn lao động, cần sơ cứu đúng cách:

Tuyệt đối không để trực tiếp phần da lóc, chi thể lên đá lạnh.

Phần da/chi thể đứt rời cầm nắm nhẹ nhàng, rửa bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (không bọc quá dày) rồi cho vào túi nilon mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thấm vào.

Đặt túi vào thùng đá lạnh - mục đích không để tiếp xúc trực tiếp đến đá lạnh gây bỏng lạnh và chết tế bào mô, mạch máu.

Đặc biệt, cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật ghép nối.