Một cô gái 27 tuổi, sống tại Brisbane, Úc đã chia sẻ về tình trạng khá hiếm hoi của mình mà trên khắp thế giới chỉ có 80 người mắc phải. Cô tên Rebecca Sharrock, có thể nhớ chi tiết từng phút, từng giây mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời mình từ lúc mới sinh ra đời. Đó chính là hội chứng Trí nhớ siêu phàm hay hyperthymesia (HSAM), cho phép Rebecca nhớ mọi sự kiện trong đời, dù là nhỏ, như thể nó vừa xảy ra cách đây vài phút.
Rebecca Sharrock (Ảnh: PA Real Life)
Rebecca mắc phải hội chứng hyperthymesia (HSAM) (Ảnh: PA Real Life)
Từng giấc mơ, từng bữa tiệc sinh nhật, từng sự kiện nhỏ, lớn trong đời đều được chị Rebecca nhớ thật chi tiết, đến mức chị có thể nhớ được cả những tai nạn, vết thương nhỏ trên cơ thể mình từ thời thơ ấu.
“Tôi nhớ mẹ Janet đã đặt tôi vào ghế của tài xế và chụp hình tôi khi tôi mới 12 ngày tuổi. Đó là kí ức đầu tiên của tôi”, chị Rebecca chia sẻ. “Tôi nhớ mỗi ngày sau đó diễn ra như thế nào. Vài sự kiện tôi không thể nói chính xác được thời điểm bởi khi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu lịch là gì, nhưng tôi có thể nhớ mình đã làm gì vào ngày hôm đó, thời tiết ra sao…”.
Kí ức đầu tiên Rebecca nhớ được là vào lúc 12 ngày tuổi (Ảnh: PA Real Life)
Với chị Rebecca, những ký ức sống động của chị thường sống động như thật vậy: “Khi tôi hồi tưởng những kí ức, cảm xúc của từng sự kiện ấy lại quay trở lại. Vì vậy, tuy tôi nhớ lại từng sự việc khi mình còn trẻ vào lúc đã trưởng thành, nhưng cảm xúc của những kí ức đó vẫn vẹn nguyên, hệt như những gì tôi đã trải nghiệm.
Tôi cũng trải nghiệm lại những cơn đau nữa. Ví dụ như tôi nhớ mình đã bị ngã lúc 3 tuổi ở nhà ông bà khiến đầu gối trái bị trầy. Nói về cú té ngã khi ấy, giờ đây tôi vẫn còn cảm nhận được sự châm chích, đau nhói ở đầu gối trái”.
Tuy nhiên, việc nhớ quá nhiều thứ như thế cũng chẳng phải thoải mái và sung sướng gì. Đôi lúc vì kí ức quá nhiều khiến chị Rebecca phải thư giãn, luyện tập chánh niệm để giúp mình thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
“Ở trường, đó là một trở ngại. Tôi không phải là người giải quyết tình huống nhanh nên trong tâm trí tôi lúc nào cũng có quá nhiều suy nghĩ. Ban đêm, tôi phải ngủ với radio và ánh đèn yếu ớt bởi nếu ngủ trong bóng tối với sự tĩnh lặng bao trùm, tâm trí tôi lại xuất hiện hàng loạt kí ức khiến tôi chẳng thể nào ngủ được”, chị Rebecca trải lòng về những khó khăn về hội chứng HSAM.
Thêm vào đó, chị Rebecca lại không kiểm soát được liệu rằng việc nhớ lại những kí ức là tích cực hay tiêu cực. Bởi điều này đồng thời gợi lại những nỗi đau một cách sống động, khiến chị bị chẩn đoán rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
“Tôi đã giữ im lặng suốt lúc đi học. Tôi luôn là đối tượng bị bắt nạt. Gần đây, khi trở lại trường cũ dự lễ tốt nghiệp của em gái, vào lại tòa nhà đó đã mang những kí ức tràn ngập trở lại. Tôi khóc rất nhiều và phải rời khỏi nơi đó ngay lập tức. Sinh nhật, Giáng sinh sẽ luôn là những kí ức vui vẻ bởi tôi sẽ nhớ lại những điều tuyệt vời, đôi khi nó khiến tôi phấn khích quá độ”, chị Rebecca chia sẻ.
(Ảnh: PA Real Life)
"Sinh nhật, Giáng sinh sẽ luôn là những kí ức vui vẻ bởi tôi sẽ nhớ lại những điều tuyệt vời, đôi khi nó khiến tôi phấn khích quá độ" (Ảnh: PA Real Life)
Khi còn bé, chị thường đọc những quyển Harry Potter để tâm trí bình tĩnh lại mỗi khi suy nghĩ quá nhiều. Mẹ của chị - bà Janet - cho biết: “Khi bé, mỗi khi con gặp ác mộng, để tâm trí con được bình tĩnh, tôi thường bảo con đọc Harry Potter từ chương một”.
Khi còn bé, chị thường đọc những quyển Harry Potter để tâm trí bình tĩnh lại mỗi khi suy nghĩ quá nhiều (Ảnh: Moment Editiorial)
Chị Rebecca không hề biết mình mắc phải hội chứng HSAM. Mãi cho đến năm 2011, khi mẹ cho xem chương trình truyền hình nói về nhóm nghiên cứu ở California đang tìm hiểu về những bệnh nhân mắc phải hội chứng này. “Lúc đó tôi nghĩ Rebecca cũng tương tự, con bé có thể nhớ lại những kí ức một cách sống động đến nỗi đôi khi nó trả lời câu hỏi mà tôi không hề hỏi chỉ vì con đang nghĩ đến cuộc đối thoại cách đó vài năm. Rebecca từng bị chẩn đoán tự kỉ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế khi tuổi teen. Vì vậy chúng tôi nghĩ những kí ức của con có thể liên quan đến hội chứng này”, bà Janet chia sẻ.
Hai mẹ con chị Rebecca đã liên lạc với những nhà nghiên cứu ở Đại học California và sau khi tiến hành vài cuộc kiểm tra, chị Rebecca được đưa vào đối tượng nghiên cứu. Trước chị Rebecca, hầu hết những đối tượng đều từ 40 trở lên, vì vậy, sự tham gia của chị sẽ hữu ích trong việc tìm hiểu về tình trạng này ở những người trẻ.
Sau khi tiến hành vài cuộc kiểm tra, chị Rebecca được đưa vào đối tượng nghiên cứu. (Ảnh: PA Real Life)
“Tìm hiểu về HSAM đã trở thành một trải nghiêm tích cực với Rebecca. Tôi thấy con khác hẳn, tích cực hơn, có thể làm mọi việc một cách độc lập và xuất sắc. Con nhận ra rằng mọi thứ xảy ra không phải là bất hạnh bởi trước đây con luôn tự nghi ngờ những kí ức của mình”, bà Janet cho biết.
Hyperthymesia (HSAM) là gì?
Hyperthymesia là một tình trạng độc đáo của hệ thần kinh khiến người mắc phải nhớ từng chi tiết trong cuộc sống của họ. Họ gần như nhớ hết tất cả mọi sự kiện xảy ra trong cuộc đời mình và họ lại dành khá nhiều thời gian để tưởng nhớ lại những sự kiện trong quá khứ. Nếu những người bình thường không thể nhớ được họ đã làm gì vào ngày này tuần trước, ăn gì, mặc gì, gặp ai thì những người mắc phải HSAM, họ có thể kể chính xác từng chi tiết. Tuy nhiên, những gì họ nhớ chỉ gói gọn trong cuộc sống của họ mà thôi.
(Nguồn: dailymail)