Nguyên đơn trong vụ kiện kỳ lạ này là cô gái tên QaShontae Short, còn bị đơn là anh Richard Jordan - cả hai đều sinh sống ở bang Michigan, tờ NewsWeek ngày 20-7 đưa tin.

Cặp đôi được cho là đã thống nhất về kế hoạch cho buổi "hẹn hò xem mắt" và nếu "ưng ý" sẽ "cho nhau cơ hội để hiểu rõ hơn về đối phương". Thế nhưng, không rõ vì lý do gì mà Richard Jordan không đến nơi hẹn khiến QaShontae Short mất cả buổi đợi chờ.

Tức giận vì bị cho "leo cây" nên cô gái quyết định kiện người bạn kia ra toà. Trong đơn kiện, Short khẳng định Jordan "cố tình làm tổn thương tình cảm của mình", bởi buổi hẹn hò cũng trùng với ngày giỗ người mẹ quá cố của cô.

Cuối cùng, Short cáo buộc Jordan "cố ý gây đau khổ về tình cảm" và yêu cầu anh ta phải bồi thường tổn hại cho cô số tiền 10.000 USD.

Khi tiếp nhận đơn kiện của QaShontae Short đối với người bạn trai, quan chức Tòa án "bối rối". Thẩm phán Herman Marable Jr. đã nói với Short trong một phiên điều trần gần đây rằng tội cố ý gây đau khổ về mặt tinh thần là không thể "phán xét" tại tòa án địa phương.

Hiện phía nguyên đơn có 56 ngày để nộp án phí lên Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ khu vực 7, nếu không vụ án sẽ bị hủy bỏ, thẩm phán Herman Marable Jr. nói thêm.

Chưa biết phiên tòa có diễn ra trong thời gian tới hay không nhưng đa số dư luận Mỹ đều nhận định "nguyên đơn khó thắng". Lý do bởi khái niệm "tổn hại nghiêm trọng về tinh thần" còn khá mơ hồ, khó đưa ra bằng chứng xác thực tại tòa.

Bạn trai không đến “xem mắt”, cô gái kiện đòi bồi thường … 235 triệu đồng - Ảnh 1.

Cô gái ở bang Michigan kiện bạn trai bồi thường số tiền 10.000 USD vì "không đến nơi hẹn". Ảnh minh họa NewsWeek

"Đây không phải vụ kiện kỳ lạ duy nhất diễn ra trên nước Mỹ trong thời gian gần đây" - tờ NewsWeek cho hay.

Hồi tháng 5, một phụ nữ ở Washington đã giành được khoản đền bù trị giá 125.000 USD, sau cuộc chiến kéo dài 3 năm tại tòa án về việc con mèo của cô đã bị "xâm phạm".

Vào tháng 10 năm ngoái, một người ở California đã kiện Amazon sau khi mất hàng nghìn USD trong một vụ lừa đảo thẻ quà tặng.

Chưa hết, vào năm 2019, hãng Red Bull đã đồng ý trả 640.000 USD cho một vụ kiện tập thể. Nhóm nguyên đơn là khách hàng cho biết "đã bị lừa" bởi quảng cáo từ Red Bull khiến họ tin rằng nước tăng lực của hãng sẽ giúp họ có thể "mọc cánh".