Người phụ nữ đó kể, khi biết bạn thân của mình ly dị mà vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với chồng cũ, cô ấy đã phản đối kịch liệt. Quan điểm của cô ấy là đã chọn chia tay là khỏi phải chịu đựng nhau, tại sao phải tiếp tục "diễn kịch" như thế? Nhưng đến khi bản thân rơi vào tình huống đó, cô cũng chọn giữ mối quan hệ hoà hảo với chồng cũ.

Cô chấp nhận mọi yêu cầu của con gái với bố. Cô luôn bình tĩnh mỗi khi gặp mặt trao đổi với chồng những vấn đề của con. Chỉ có điều, khi có người mới, cho dù người ấy và con gái cô đã thiết lập được sự thân thiết nhưng cô vẫn thấy bất an khi anh không thoải mái vì cô vẫn kết nối thường xuyên với chồng cũ.

Cô muốn hỏi Thanh Tâm xem việc giữ mối quan hệ với chồng cũ sau ly hôn có nên không và nên ứng xử như thế nào với bạn trai trong trường hợp anh ấy không chấp nhận cô kết nối với chồng cũ.

Thanh Tâm nhận thấy, trong tình huống này, cô đang phân vân giữa việc giữ mối quan hệ thân thiện với chồng cũ vì con gái và nhu cầu xây dựng mối quan hệ mới bền vững. Đây là một thử thách không hiếm gặp ở nhiều gia đình sau ly hôn. Trước tiên, cô cần xác định mục đích mối quan hệ với chồng cũ. Việc cô duy trì mối quan hệ tốt với chồng cũ có thể có lợi với con chung của hai người. Trẻ em thường phát triển tốt hơn khi cha mẹ có thể hợp tác trong việc nuôi dạy con, ngay cả sau khi đã ly hôn. Cô có thể xác định rõ ràng rằng, mối quan hệ này chủ yếu tập trung vào trách nhiệm chung đối với con gái và đặt ra giới hạn cho những vấn đề khác để tránh gây hiểu nhầm.

Cô cũng cần trấn an người yêu bằng cách giải thích, chia sẻ cảm xúc của mình một cách chân thành với anh ấy. Bạn trai của cô cảm thấy không thoải mái vì lo ngại mối quan hệ của cô với chồng cũ có thể ảnh hưởng đến tình cảm hiện tại của hai người. Hãy chia sẻ rõ ràng với anh ấy về mục đích giữ liên lạc với chồng cũ và nhấn mạnh rằng điều này không ảnh hưởng đến tình yêu, cam kết của cô trong mối quan hệ hiện tại.

Thứ ba, cần thiết lập ranh giới rõ ràng với chồng cũ. Ranh giới là yếu tố quan trọng để giữ cân bằng trong tình huống này. Cô có thể thỏa thuận với chồng cũ rằng chỉ trao đổi về những vấn đề liên quan đến con cái, tránh đi sâu vào cuộc sống cá nhân của nhau. Điều này giúp mối quan hệ giữa hai người trở nên minh bạch và hạn chế những tương tác có thể khiến bạn trai hiện tại cảm thấy bất an.

Theo như cô chia sẻ, mối quan hệ giữa người yêu của cô với con riêng của cô khá mật thiết. Điều đó cho thấy, anh ấy đã chủ động tham gia vào cuộc sống của con và tạo được lòng tin nơi con. Nếu cô tiếp tục khuyến khích anh ấy tham gia những hoạt động chung của gia đình thì có thể giúp anh ấy cảm thấy mình là một phần quan trọng trong cuộc sống của cô và con. Điều này không chỉ tạo sự gắn bó mà còn giúp anh ấy hiểu rõ hơn về vai trò của cô trong việc đồng hành cùng chồng cũ để chăm sóc con gái.

Cuối cùng, cô cần linh hoạt và sẵn sàng điều chỉnh. Không có quy tắc cố định nào về việc nên hay không nên giữ liên lạc với chồng cũ, bởi mỗi gia đình có hoàn cảnh riêng. Việc cô sẵn sàng điều chỉnh để đảm bảo con được phát triển trong môi trường tốt nhất, đồng thời xây dựng mối quan hệ mới vững chắc, là điều quan trọng.

Tóm lại, việc giữ mối quan hệ thân thiện với chồng cũ vì con là một lựa chọn đúng đắn khi nó hướng đến lợi ích của con. Đồng thời, khi cô chủ động chia sẻ với người yêu về sự ưu tiên của mình, anh ấy sẽ hiểu và tin tưởng cô hơn. Thanh Tâm mong rằng các giải pháp này có thể giúp cô đạt được sự cân bằng, sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết để mọi chuyện đi vào quỹ đạo an toàn, bình yên.