Chị Tố Nga từng đi công tác hơn 10 ngày, khi về nhà chị cũng vô cùng bất ngờ khi những cây cảnh, cây hoa trồng ở ban công còn tươi tốt hơn cả khi chị ở nhà. Điều đó khiến chủ nhân của ban công nhỏ vô cùng thích thú khi chị hoàn toàn yên tâm mỗi lần đi công tác.
Đặc biệt là dịp lễ 30/4 - 1/5 này, chị yên tâm với những dự định "xa nhà" của mình và bớt đi nỗi lo cây và hoa sẽ héo khô như trước đây.
Chị Tố Nga hiện đang sống trong một căn hộ nhỏ xinh. Vì muốn gần gũi với thiên nhiên nên chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu vè mua những chậu cây cảnh và thiết kế kệ đặt ở ban công. Tuy vậy, công việc của chị thường xuyên đi công tác xa, chị cũng “hơi lười” khi phải quét dọn nên chị thường tìm hiểu, nghiên cứu các công cụ có thể giúp cho việc trồng và chăm sóc cây được dễ dàng hơn.
Khoảng ban công xinh xắn luôn tươi xanh với đủ loại cây và hoa.
Chị Nga đặt chậu cây trên kệ để tạo điểm nhấn xanh tươi cho ban công nhỏ.
Chị Tố Nga cho biết: “Thời tiết Sài Gòn rất nhiều gió nên lá rụng nhiều, cộng với việc tưới cây mỗi ngày, nếu không quét dọn kịp sẽ đóng lớp bẩn trên sàn. Để tiện việc nuôi trồng cây cảnh, mình tìm mua giá gỗ đặt các chậu hoa ở ngoài ban công cho gọn gàng. Ngoài tác dụng đặt được nhiều chậu cây trong một không gian hẹp ra mình đỡ hẳn được khoản vất vả quét dọn ban công, cũng không bị đọng nước tại sàn nhà khi tưới cây”.
Chị cũng chia sẻ, đợt vừa rồi vắng nhà 10 ngày, chị cũng đau đầu nghĩ cách chăm sóc các chậu cây nhỏ. Vì toàn là cây cảnh, đất đều làm bằng xơ dừa trộn phân vi sinh nên khả năng tích nước dự trữ của các chậu cây gần như vô vọng. Với phương pháp dự trữ nước truyền thống cho cây bằng cách đổ nước vào chai rồi chọc nắp chai cắm vào chậu đất cũng vô phương thực hiện trong trường hợp này khiến chị rất băn khoăn.
Những chậu cây được đặt túi nilon đựng nước phía trên.
Chị Nga đặt bịch nước ngay cạnh chậu cây.
May mắn là chị được một người bạn chỉ cho tuyệt chiêu: Đó là đổ nước vào bịch ni lông rồi cho nhỏ xuống chậu cây. Tuy nhiên, chi tiết đắt giá nhất được bạn chị tiết lộ đó là bỏ thêm một chút đất vào bịch ni lông. Chút đất này sẽ làm hạn chế dòng chảy của nước và cũng không làm cho vết thủng của bịch nilon bị to ra theo thời gian.
Trước khi đi vắng, chị Tố Nga cũng đã rất cẩn thận làm thử và quan sát trong một buổi sáng. Chị cảm thấy yên tâm khi thấy nước vẫn nhỏ giọt đều xuống chậu với tốc độ khá chậm so với thông thường. Điều này giúp cho các cây không bị thấm nhiều nước sinh úng.
Cây hoàn toàn được cung cấp đủ nước và dinh dưỡng khi chị đi vắng.
Chị Nga chia sẻ: “Vì có tới hơn 10 chậu cây cảnh to nhỏ khác nhau nên mình dùng túi ni lông đựng rác lồng 4 cái với nhau cho chắc ăn rồi đổ nước vào. Mỗi bịch chứa khoảng 5 lít nước, bịch khá nặng cho việc treo lên đâu đó. Nhưng may mình có các giá gỗ sẵn từ trước nên đặt túi nước lên luôn giá này".
Mình dùng kim chọc vài lỗ nhỏ sau đó lấy mấy đôi đũa điều hướng dòng chảy vào từng chậu cây. Kết quả là mình đi hơn 10 ngày về cây còn tươi tốt hơn cả khi mình ở nhà. Vì nước được cung cấp đều đặn, có độ ẩm phù hợp nên cây phát triển tốt hơn nhiều. Mỗi gốc cây chỉ tốn chừng 1,5 lít nước cho 10 ngày mình đi vắng”.
Theo dự tính của chị Nga, nếu 1 bịch chứa 5 lít nước như vậy, lần sau chị sẽ yên tâm đi cả 30 ngày. Chị Nga cũng lưu ý thêm rằng:
- Phải có vị trí đặt túi nước chắc chắn vì nước rất nặng và sau khi chảy bớt, túi có thể bị lệch trọng tâm và đổ.
- Thử quan sát dòng nhỏ giọt nước 1 buổi trước khi đi vắng, vì một thời gian sau đất có thể nở ra, làm bít mất lỗ. Tốt nhất là chọc 3, 4 lỗ cho an tâm.
- Nếu dùng 1 bịch nước cho nhiều chậu cây, phải chắc chắn vị trí của bịch nước luôn cân bằng và các lỗ chảy có vị trí ngang nhau, tránh "nước chảy chỗ trũng" - cuối cùng chỉ 1 cây được tưới.
- "Đất" bỏ bịch nước cũng không cần đất thịt, chỉ cần loại đất trộn được bán ở các tiệm cây cảnh cũng được. Dinh dưỡng từ đất này tan ra còn giúp cây phát triển nhanh hơn so với việc tưới nước thông thường.