“Bằng đẹp chỉ tạo nên hồ sơ đẹp, chứ không đảm bảo ứng viên sẽ hoàn thành tốt công việc”

Chị Ngô Thị Bích Quyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Top Career, chuyên gia trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực cho rằng, về mặt lý thuyết, tấm bằng đẹp chỉ có tác dụng làm đẹp hồ sơ.

Chị Quyên nói: “Xu hướng hiện nay các nhà tuyển dụng luôn muốn tìm người có thể triển khai được công việc ngay chứ họ không muốn mất thêm thời gian, nguồn lực để đào tạo mà lại không đảm bảo ứng viên đó sẽ làm việc lâu dài. Chính vì thế, ứng viên có kinh nghiệm là sự lựa chọn an toàn”.

Ngoài lý do mất cân bằng cung – cầu trên thị trường lao động, chị Quyên cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều tân cử nhân có bằng đẹp, thậm chí thủ khoa không tìm được công việc tốt là bởi họ chưa tự đánh giá được chính bản thân mình đang ở nấc thang nào của sự nghiệp và “hét” mức lương rất cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần người có thể hoàn thành công việc với chi phí tiền lương hợp lý.

"Bằng đẹp" và "Kinh nghiệm", nhà tuyển dụng chọn ai? 1
Chị Quyên đưa ra ý kiến rằng: “Bằng đẹp chỉ tạo nên hồ sơ đẹp, chứ không đảm bảo ứng viên sẽ hoàn thành tốt công việc".

Chị Quyên cũng đưa ra một vài lời khuyên cho các bạn tân cử nhân mới ra trường: “Chỉ cần các bạn hoàn thành xuất sắc một công việc bình thường, bạn sẽ trở nên khác biệt và thành công. Đừng đi tìm những điều vĩ mô và hoành tráng trong khi khả năng của mình chưa thể đáp ứng.

Các bạn trẻ thường hay mắc phải một lỗi đó là rất nhanh để thích một cái gì đó và cũng rất nhanh chóng rời bỏ nó. Đây là điểm hoàn toàn không tốt cho việc xây dựng một sự nghiệp lâu dài của bản thân. Các bạn nên tự hỏi chính bản thân mình rằng, giá trị cốt lõi của mình là gì, niềm đam mê lớn nhất của mình là gì? Các bạn chỉ có thể cống hiến và thành công khi bạn làm việc bằng niềm đam mê, và từ đây, bạn sẽ dễ dàng tìm được niềm vui trong sự nghiệp và cuộc sống”.

“Nhiều khi các bạn học hành chểnh mảng nhưng bằng vẫn đẹp, điểm vẫn cao”

Chị Nguyễn Thu Trang, làm công tác Nhân sự tại một công ty Xây dựng của Nhật trả lời như trên khi được hỏi sẽ chọn ai trong hai ứng viên mới ra trường: một người có tấm bằng đẹp, một người có kinh nghiệm phong phú.

Chị Trang cho rằng điểm ở các trường đại học hiện giờ không hoàn toàn đánh giá được năng lực của sinh viên. Nhiều khi các bạn học hành chểnh mảng nhưng bằng vẫn đẹp, điểm vẫn cao. Ngoài ra, kinh tế đi xuống trong mấy năm gần đây, các doanh nghiệp phải co hẹp quỹ lương trong khi lượng sinh viên ra trường mỗi năm đều rất đông nên sẽ xuất hiện hiện tượng chọn lọc và đào thải, khiến chuyện tìm việc làm trở nên khó khăn đối với các tân cử nhân.

"Bằng đẹp" và "Kinh nghiệm", nhà tuyển dụng chọn ai? 2
Chị Trang cho rằng: “Nhiều khi các bạn học hành chểnh mảng nhưng bằng vẫn đẹp, điểm vẫn cao”.

Theo chị Trang, bằng đẹp hay kinh nghiệm đều không phải là yếu tố quan trọng nhất khi đi xin việc. Bởi dù ứng viên có kinh nghiệm thì trước khi vào công việc vẫn cứ phải đào tạo nghiệp vụ, quan trọng nhất là sự tự tin, khả năng tiếp thu, nắm bắt công việc của ứng viên và khả năng giao tiếp.

Lời khuyên của chị Trang dành cho các tân cử nhân là: “Điều chị cảm thấy cần khi đi xin việc chính là sự tự tin. Trước khi interview nên tìm hiểu xem công ty đó là công ty như thế nào, họ cần gì ở mình. Ít ra mình chưa đủ năng lực nhưng để họ thấy mình có quan tâm, có mong muốn vào công ty, đó cũng là 1 điểm thuận lợi gây ấn tượng tốt.”

“Kể cả các bạn không có bằng, nếu làm được việc tôi vẫn tuyển và sẵn sàng trả lương xứng đáng”

Anh Bùi Văn Ngàn là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc một công ty về Kiến trúc và truyền thông. Anh Ngàn cho rằng việc chọn người có bằng đẹp hay có kinh nghiệm thực tế là tùy thuộc vào từng ngành nghề. Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ thích những người có kinh nghiệm vì không phải mất thời gian đào tạo.Nhưng trong những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo thì kinh nghiệm lại là rào cản, thậm chí sẽ bóp chết sự sáng tạo.

Theo như anh Ngàn, các nhà tuyển dụng đang dần mất niềm tin vào chất lượng thực sự của tấm bằng do chương trình tại các trường đại học thường không sát với thực tế. Anh chia sẻ: “Quan điểm của tôi là không quan trọng bằng cấp, kể cả các bạn không có bằng, nếu làm được việc, tôi vẫn tuyển và sẵn sàng trả lương xứng đáng với chất lượng công việc bạn thực hiện”.

Nhận xét về tình trạng các tân cử nhân học giỏi, thậm chí là thủ khoa không có được việc làm ưng ý, anh Ngàn đưa ra các lý do sau:

“-Còn tồn tại hiện tượng tuyển dụng dựa trên các mối quan hệ quen thân

- Còn tồn tại hiện tượng chạy việc bằng tiền. Nhiều sinh viên học rất khá, giỏi nhưng "nghèo". "Văn hay chữ tốt không bằng học dốt lắm tiền"!

- Các bạn mới ra trường thiếu thông tin về tuyển dụng. Có nhiều đơn vị không thích đăng thông tin tuyển người lên các phương tiện truyền thông. Bởi vậy, các bạn  nên xây dựng cho mình mối quan hệ xã hội đa dạng, phong phú. Từ đó, các bạn sẽ có rất nhiều thông tin hữu ích trong việc tuyển dụng.

"Bằng đẹp" và "Kinh nghiệm", nhà tuyển dụng chọn ai? 3
Quan điểm của anh Ngàn là “Kể cả các bạn không có bằng, nếu làm được việc tôi vẫn tuyển và sẵn sàng trả lương xứng đáng”.

- Tuy mới ra trường nhưng vài bạn có tính tự kiêu, tự đại, đánh giá sai giá trị bản thân. 

- Nhiều bạn có tâm lý bám trụ ở những đô thị lớn trong khi ở nông thôn thiếu nhân lực trầm trọng.”

Bởi vậy, anh Ngàn khuyên các tân cử nhân: “Các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng mình đi xin việc, không ai cho bạn công việc thực thụ cả. Hãy tự tin rằng mình đến các cơ quan, đơn vị để hợp tác với họ. Mối quan hệ giữa họ và các bạn là mối quan hệ hai chiều, họ cũng cần nhân sự có năng lực.Nhưng tự tin khác với thái độ tự kiêu, tự đại. Đừng bao giờ nghĩ mình đã giỏi. Hãy khiêm tốn lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm và tự tin bộc lộ khả năng của mình.”