Bàng quang của nữ giám đốc hóa "hang động thạch nhũ", phải dùng ống thông tiểu cả đời vì một sai lầm khi uống nước
Nhiều người cứ viện cớ bận rộn nên lười uống nước, lười đi vệ sinh, bất chấp những hậu quả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ thể, đặc biệt là bàng quang.
Ai trong chúng ta cũng đều biết đến tầm quan trọng của việc uống nước đối với cơ thể con người, thế nhưng đôi khi vì công việc bận rộn hoặc do thói quen ăn uống mà bạn quên mất việc phải bổ sung nhiều nước mỗi ngày. Nếu biết cơ thể mình sẽ tàn phá như thế nào nếu thiếu nước, có lẽ bạn sẽ phải suy nghĩ lại...
Lười uống nước, nữ giám đốc mắc bệnh nguy hiểm
Trong chương trình "Doctor is Hot" của Đài Loan, bác sĩ thận học Trần Tuấn Vũ đã chia sẻ một trường hợp liên quan đến việc cơ thể thiếu nước. Bác sĩ Trần kể về một nữ bệnh nhân khoảng 40 tuổi, hiện là giám đốc điều hành của một công ty lớn. Cô thường xuyên làm việc hơn 8 tiếng mỗi ngày, bận rộn tới mức không có thời gian để uống nước và đi vệ sinh. Một ngày nọ, cô phát hiện ra nước tiểu của mình rất đục nên đã tự ý đi mua thuốc. Việc sử dụng thuốc không đúng cách khiến những triệu chứng ngày càng tồi tệ hơn.
Cô nhanh chóng được nhập viện, các bác sĩ đã nội soi và thấy bàng quang của cô bây giờ trông giống như một "hang động thạch nhũ". Bác sĩ lúc này thở dài và nói rằng "Ca này rất khó".
Chia sẻ thêm về nguyên nhân căn bệnh mà nữ giám đốc kia đang mắc phải. Bác sĩ Trần nói rằng vì công việc quá bận rộn, ngay từ sáng sớm cô đã phải họp hành rồi liên lạc liên tục với đối tác nước ngoài.
Cô uống ít hơn 2 ngụm nước trong suốt một ngày dài và nghĩ rằng uống ít nước sẽ không phải đi vệ sinh, như vậy tiết kiệm thời gian hơn. Bên cạnh đó, cô còn bị tiểu đường và không có thời gian kiểm soát tình trạng bệnh của mình. Cô được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng bàng quang thần kinh.
Khi phát hiện ra tình trạng bị viêm bàng quang, cô được cho điều trị bằng kháng sinh và được dặn phải uống nhiều nước để đẩy vi khuẩn ra ngoài. Thế nhưng, người phụ nữ này lại không uống thuốc đều đặn lẫn uống nước. Trong 1 vòng luẩn quẩn liên tục, cho đến khi cô không thể đi tiểu thì mới vội vã nhập viện.
Khi nhập viện, cô được đặt ống thông tiểu khẩn cấp và nước tiểu ngay lập tức chảy ra lên tới 1500cc. "Toàn bộ bàng quang đã bị vỡ nên không thể đi tiểu được, nó trở thành một khối trụ, nhô ra như hang thạch nhũ. Điều này được gây ra bởi tình trạng viêm mãn tính do sưng bàng quang quá mức", bác sĩ Trần cho hay.
Sau đó, cô được bác sĩ tiết niệu làm sạch bàng quang. Trường hợp của nữ giám đốc này quá nặng, bác sĩ Trần nói rằng cô sẽ không thể rời khỏi ống thông tiểu suốt đời.
Bác sĩ Trần cũng thú nhận rằng đặt ống thông tiểu ở phụ nữ dễ dàng hơn so với nam giới. Nếu nam giới rơi vào trường hợp này, nó giống như tra tấn.
Mỗi ngày chúng ta nên uống nước như thế nào?
Mọi người thường được khuyên là uống 8 ly nước mỗi ngày để cần thiết cho các hoạt động của cơ thể. Vậy đâu là thời điểm tốt nhất để uống nước?
- Sau khi thức dậy
Uống một ly nước sau khi thức dậy có thể giúp kích hoạt các cơ quan nội tạng hoạt động hiệu quả. Nước sẽ giúp loại bỏ độc tố trước bữa ăn đầu tiên trong ngày.
- Trước và sau bữa ăn
Một ly nước trước bữa ăn 30 phút nên sẽ giúp cho việc tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Hãy nhớ không nên uống quá sớm trước hoặc sau bữa ăn, vì nó có thể làm loãng dịch tiêu hóa. Ngoài ra, uống nước 1 giờ sau bữa ăn có thể giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng hiệu quả hơn.
- Trước khi tắm
Một ly nước trước khi tắm có thể giúp làm giảm huyết áp.
- Trước khi đi ngủ
Uống một ly nước 1 giờ trước khi đi ngủ có thể bổ sung sự thiếu hụt chất lỏng vào buổi tối.
Những cách đơn giản để uống nước nhiều hơn
Vì cơ thể chiếm tới 70% là nước nên việc uống đủ nước là rất quan trọng. Mặc dù mọi người đều biết nước đóng rất nhiều vai trò trong cơ thể, chẳng hạn như duy trì việc cân bằng chất điện giải, huyết áp, bôi trơn khớp, điều chỉnh nhiệt độ… nhưng để duy trì việc uống đủ lượng nước là điều không phải dễ dàng. Sau đây là một số cách để uống nhiều nước hơn:
- Đặt mục tiêu uống nước và tăng dần theo từng ngày cho đến khi đạt được con số cần thiết nhất.
- Luôn giữ một chai nước bên cạnh để có thể uống được nhiều nước hơn.
- Đặt lời nhắc uống nước qua các ứng dụng trên điện thoại.
- Thay thế nước lọc bằng nhiều loại nước khác nhau.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa nước như rau củ, trái cây.
Theo Ettoday, Heakthline, Healthxchange