Nghiên cứu mới cho thấy, sự tan chảy của các thềm băng dẫn tới những tác động tàn khốc tiềm ẩn, trong đó có mực nước biển dâng trên toàn thế giới.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, ngay cả khi thế giới đạt được các mục tiêu đầy tham vọng nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, khu vực Tây Nam Cực sẽ phải trải qua tình trạng đại dương nóng lên đáng kể và thềm băng tan chảy.
Thềm băng là những lưỡi băng nhô ra biển ở cuối sông băng. Chúng hoạt động như những trụ đỡ, giúp giữ băng trên đất liền, làm chậm dòng chảy của băng ra biển và cung cấp một biện pháp phòng thủ quan trọng chống lại mực nước biển dâng. Khi các thềm băng tan chảy, chúng bị mỏng đi và mất khả năng chống đỡ.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, tình trạng tổn thất băng ở Tây Nam Cực có thể không thể đảo ngược và vẫn chưa chắc chắn về mức độ có thể ngăn chặn tình trạng này được thông qua các chính sách khí hậu.
Những tảng băng trôi đang tan chảy được nhìn thấy trên đảo Horseshoe ở Nam Cực, ngày 26/2. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)
Các nhà nghiên cứu đã xem xét hiện tượng "tan chảy cơ bản", khi dòng hải lưu ấm áp làm tan băng từ bên dưới. Họ đã phân tích tốc độ nóng lên của đại dương và thềm băng tan chảy trong các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau, bao gồm từ tham vọng, nơi thế giới tìm cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, cho đến trường hợp xấu nhất, khi con người đốt một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh.
Họ phát hiện ra rằng nếu thế giới hạn chế nhiệt độ tăng lên ở mức 1,5oC, điều hiện không thể thực hiện được, biến đổi khí hậu vẫn có thể khiến đại dương ấm lên với tốc độ nhanh gấp ba lần so với trong lịch sử.
Báo cáo cho thấy, ngay cả việc cắt giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm làm nóng hành tinh hiện nay cũng sẽ có "sức mạnh hạn chế" để ngăn chặn các đại dương ấm hơn, dẫn tới sự sụp đổ của dải băng ở Tây Nam Cực.
Tây Nam Cực hiện là nơi đóng góp lớn nhất cho mực nước biển dâng toàn cầu và có đủ băng để nâng mực nước biển lên trung bình 5,3 mét, hay hơn 17 feet.
Tuy nhiên, mặc dù viễn cảnh rất tồi tệ, nhân loại không thể từ bỏ việc cắt giảm lượng khí thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Những tác động tàn khốc vẫn có thể tránh được ở các khu vực khác ở Nam Cực và phần còn lại của thế giới.