Với sự phát triển của sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), chúng ta chỉ cần ngồi nhà có một cú click chuột khách hàng sẽ được giao tận tay những thứ mình cần, từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, thậm chí cả hàng cấm như vũ khí, chất gây nghiện. Đơn cử như mặt hàng "bánh cần sa" được chào bán công khai trên Shopee thời gian gần đây.
"Bánh cần sa" núp bóng bánh quy, rao bán công khai trên Shopee
Sản phẩm này được bắt đầu bán phổ biến trong group kín Facebook có tên "VNN***tầng 1" từ cuối năm 2018 dưới dạng "bánh cần sa", "bánh phê" với mức giá giao động từ 100.000-500.000 đồng.
Bánh cần sa được ra bán dưới tên gọi The Happy Cook
Điều đặc biệt là loại bánh này được người bán cho rằng đây là một loại bánh quy, thậm chí còn đính kèm liên kết đến gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee. Tức là sau khi ấn vào mua hàng, khách hàng sẽ được Shopee vận chuyển và thu tiền hộ cho người bán.
Theo như những lời chào mời trên Facebook, 4 chiếc bánh quy này có giá 500.000 đồng, thành phần có chứa chất gây nghiện, gây ra tình trạng "tăng động", "trở nên vớ vẩn" và "trêu chọc người khác", người bán cũng không quên kèm theo đường link dẫn đến Shopee.
Những lời rao bán trên facebook đính kèm link Shopee
Dựa vào thống kê số lượng bánh này được giao bán thành công từ Shopee có thể thấy, đơn hàng bánh quy, bánh kem, socola được giới thiệu là có cần sa đã được bán ra 70 đơn với giá trị gần 20 triệu đồng.
Ngoài ra, chủ gian hàng còn xây dựng website để bán các loại thực phẩm chức năng người lớn với cách thức tương tự. Người này chỉ thực hiện việc tư vấn trong nhóm kín Facebook mà không trả lời các câu hỏi của khách hàng trên Shopee.
Đây chính là một minh chứng điển hình cho chính sách dễ dãi của Shopee vì không phải tự nhiên mà đối tượng lại chọn Shopee làm đơn vị trung gian vận chuyển cho một mặt hàng cấm như vậy.
Những kẽ hở lỏng lẻo của Shopee khiến kẻ xấu lợi dụng
Thực tế cho thấy, bất kì ai cũng có thể tự mình lập một gian hàng trên Shopee trong vòng chưa đầy 30 phút chỉ với một yếu tố xác minh là số điện thoại. Chính vì thế, nhiều đối tượng đã sử dụng kẽ hở này để lập nhóm kín trên facebook nhằm quảng bá sản phẩm và sau đó chỉ dùng Shopee để phân phối. Như thế, hoạt động kinh doanh sẽ rất khó thống kê.
4 chiếc bánh quy "cần sa" trông chẳng khác gì bánh ngọt được rao bán trên Shopee có giá 500.000 nghìn đồng. Thậm chí còn được miễn phí vận chuyển khi mua hàng.
Mức độ dễ dãi về chính sách của Shopee được thể hiện rõ ràng khi dễ dãi trong việc nhận đơn khi chỉ cần đóng gói cẩn thận vào giao cho người giao hàng. Không thu phí dịch vụ, thậm chí còn miễn phí với đơn hàng trên 150.000 đồng.
Chính những yếu tố này đã khiến Shopee trở thành sàn thương mại, lựa chọn của nhiều người bán hàng tạm bợ, kém chất lượng trong đó có những mặt hàng cấm như các loại bánh được giới thiệu có cần sa và gây phê.
Nói về vụ việc này, Shopee cũng tự thừa nhận là đơn vị này không đủ sức kiểm duyệt và đã nhờ phía công an can thiệp điều tra, làm rõ.
Có thể xử lý hình sự ?
Nới về các quy định liên quan đến giao dịch TMĐT, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Thông tư 47/TT-BCT của Bộ Công Thương, quy định về Quản lý website TMĐT nêu rõ, các thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website TMĐT để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh như: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; Rượu các loại; Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; Các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Thương nhân lập website để bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phải công bố trên website số, ngày cấp và nơi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó.
Bên cạnh đó, các trang TMĐT phải loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, thời gian qua, các sản phẩm bị cấm vẫn xuất hiện trên các trang TMĐT. Về xử lý vi phạm, Khoản 3 điều Điều 83 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định, một sàn TMĐT cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nhưng để đối tác bán hàng vi phạm có thể bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng.