Bánh chưng và bánh tét là những món ăn truyền thống của nước ta. Mặc dù hiện nay, chúng ta vẫn có thể dễ dàng mua được chúng trong siêu thị, chợ,…vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, cứ nhìn thấy bánh chưng bánh tét là nghĩ ngay đến Tết, nhất là bữa cơm Tất Niên và mồng một Tết, khi cả gia đình quây quần bên nhau.
Hơn nữa vị của bánh chưng và bánh tét cũng rất ngon, có nhiều cách chế biến lại, nhưng mặt khác lại giàu năng lượng và khiến chúng ta no lâu. Vậy việc ăn bánh chưng bánh tét và uống bia rượu liệu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?
Tác hại của việc kết hợp bánh chưng, bánh tét và rượu bia
Tăng cân
Bánh chưng và bánh tét là những món ăn có chứa nhiều calo và chất béo. Mỗi 100g bánh chưng có thể chứa 250kcal, còn bánh tét khoảng 300kcal. Ngoài ra, rượu bia cũng là một nguồn calo rỗng, không có giá trị dinh dưỡng. Nếu tiêu thụ quá nhiều bánh chưng, bánh tét và rượu bia cùng lúc, sự kết hợp này có thể dẫn đến tăng cân, lặp lại trong nhiều ngày thậm chí có thể gây béo phì và các vấn đề liên quan đến sức khỏe như tiểu đường, bệnh tim mạch và cao huyết áp.
Rối loạn tiêu hóa
Bánh chưng và bánh tét chứa nhiều đạm, tinh bột, chất béo, trong khi rượu bia có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Sự kết hợp này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón. Khi chúng ta có vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày hoặc bệnh lý dạ dày khác, cần tránh kết hợp bánh chưng, bánh tét và rượu bia để tránh tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Bánh chưng, bánh tét chứa nhiều chất béo bão hòa. Khi tiêu thụ quá nhiều có thể làm tăng mức cholesterol trong máu, dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành. Khi chúng ta uống rượu bia, cơ thể sẽ ưu tiên đốt cháy và chuyển hóa cồn trong rượu bia để tạo năng lượng, vậy thì bánh chưng bánh tét vô tình trở thành nguồn năng lượng dư thừa và được hô biến thành mỡ, tích tụ trong cơ thể.
Rượu bia thoạt nhìn như nước, nhưng bản chất chúng không "đơn thuần" như nước. Nghĩa là khi chúng ta dùng cùng lúc, chúng ta đang nạp vào 1 lượng lớn chất béo vượt quá khả năng chuyển hoá của cơ thể, đồng thời lại ngăn cản quá trình đào thải mỡ. Chưa kể đến xu hướng Tết đến sẽ giảm vận động, giảm tập thể dục.
Gây tổn thương gan
Bánh chưng, bánh tét và rượu đều có thể gây tổn thương gan. Nghe có vẻ vô lý nhưng điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tiêu thụ quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan,.... Điều này do gan phải chịu áp lực quá lớn khi phải xử lý đồng thời lượng calo và chất béo cao từ bánh chưng, bánh tét và cả rượu bia.
Ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương
Rượu có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, làm giảm khả năng phản xạ và suy giảm nhận thức. Khi kết hợp với bánh chưng, bánh tét có chứa nhiều calo và chất béo, sự ức chế của rượu có thể được tăng cường, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ thần kinh trung ương. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh như mất ngủ, lo âu, rối loạn giấc ngủ và thậm chí là rối loạn thần kinh.
Làm thế nào để hạn chế tác hại?
Bánh chưng, bánh tét và rượu thường xuất hiện cùng nhau trên bàn tiệc ngày Tết, rất khó để tránh không dùng chung. Vậy có những mẹo nào giúp giảm thiểu tác hại của chúng lên sức khoẻ?
Hạn chế hoặc tránh kết hợp bánh chưng, bánh tét và rượu
Để giảm thiểu nguy cơ tổn hại đến sức khỏe, chúng ta nên hạn chế hoặc tránh kết hợp bánh chưng, bánh tét và rượu lại với nhau. Thay vào đó, có thể thưởng thức bánh chưng, bánh tét và rượu trong các bữa ăn riêng biệt hoặc kết hợp với những món ăn khác có chứa ít calo và chất béo. Ví dụ trong bữa chính, chúng ta ăn salad, rau củ, thịt cá trước khi uống rượu bia và để dành bánh chưng bánh tét cho bữa phụ.
Tăng cường hoạt động thể lực
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của bánh chưng, bánh tét và rượu đối với sức khỏe, chúng ta nên tăng cường hoạt động thể lực để đốt cháy lượng calo dư thừa và duy trì cân nặng. Điều này cũng giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sự tích tụ chất béo.
Mặc dù Tết sẽ bận rộn hoặc tâm lý chung là dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, xả stress, cho phép bản thân được "lười". Nhưng thói quen tập thể dục vẫn không nên bỏ, vì đây là thói quen tốt và rất khó để bắt đầu lại từ đầu. Tiêu chuẩn vận động là 30 phút mỗi ngày, nhưng nếu như Tết khiến chúng ta quá bận rộn, chúng ta có thể tập thể dục trong thời gian ngắn hơn, dù sao vẫn tốt hơn là không tập.
Đảm bảo chất lượng lẫn số lượng
Khi tiêu thụ bánh chưng, bánh tét và rượu, chúng ta nên chọn những sản phẩm có chất lượng tốt và được làm từ nguyên liệu sạch. Ví dụ nhân bánh Tét nhiều đậu xanh và thịt nạc thay vì ít nhân và nhiều thịt mỡ. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ tiêu thụ các chất độc hại và tăng cường lượng dinh dưỡng cho cơ thể. Khi ăn nên ăn vừa phải, đủ no, uống lượng rượu bia theo khuyến cáo.