Theo lời kể của bà con người Tày, cái tên bánh rợm được nói lái từ rơm, xuất phát từ mùa rơm vàng, khi mới thu hoạch lúa nếp, rơm vàng được phơi dọc khắp bản làng và nương rẫy, thơm ươm vào gió, nên bà con lấy tên đó để đặt cho một loại bánh thơm ngon như thế.
Một thứ bánh được làm từ những nguyên liệu hết sức dân dã nhưng công phu, đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ. Ngày tết, món bánh rợm được làm để thử tài người phụ nữ và đem bánh để cúng tổ tiên, đất trời, mời họ hàng. Bánh làm từ gạo nếp nương, đỗ xanh hoặc thịt lợn, tùy theo khẩu vị từng gia đình.
Khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, gạo nếp làm bánh là gạo nếp ngon, mới gặt về, phơi một vài nắng, hạt chưa khô ron. Gạo được ngâm nước nửa ngày rồi đem xay nhuyễn thành bột nước. Sau đổ bột nước vào một cái túi vải, cho vào giữa đống tro mịn đốt từ rơm khô, để tro hút hết nước của bột hoặc lấy đá ép bột. Đến khi bột quánh mịn thành một khối trắng tinh, dẻo mà không dính tay là gói bánh được.
Nhân bánh ngọt hay mặn là do khẩu vị của từng gia đình. Nếu ăn ngọt, nhân bánh là đỗ xanh đồ chín, giã nhuyễn rồi trộn với đường. Nếu ăn mặn, người Tày sẽ lấy thịt ba chỉ xào với hành, tiêu, mộc nhĩ để làm nhân bánh.
Bánh rợm có hình dáng khá đơn sơ. Ảnh: Ánh Nguyệt
Khi gói, người phụ nữ Tày khéo léo cho nhân vào giữa phần bột mịn, nặn tròn kín trong lòng bàn tay, để nhân gọn trong bột, rồi gói bằng lá chuối đã được luộc sơ, bôi thêm lớp mỡ mỏng trước khi gói để bánh khi chín không bám vào lá, rồi buộc lại bằng lạt mềm. Đem bánh đã gói đem hấp chín.
Chiếc bánh rợm khi chín sẽ mang hương lúa nếp, hương của những sản vật của vùng cao ngào ngạt trong gió, khơi gợi vị giác của con người. Bánh chín, chiếc lá chuối mềm, bóng, bóc lớp lá ra, lớp bột mịn, thơm dẻo, ngon lành. Càng nhai kĩ, càng cảm nhận rõ vị dẻo thơm, mềm, bùi quện trong miệng, rất bình dị mà ấm cúng, da diết, tựa như hơi thở của quê hương níu gọi con người.