Nếu đã từng ghé qua Chợ Giồng ở huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, hầu hết du khách hẳn đã từng nghe đến món ăn mang tên bánh vá.
Bánh vá hay còn gọi là bánh giá, là một đặc sản nổi tiếng ở khu vực Gò Công. Lý giải cho cái tên bánh có nhiều cách gọi khác nhau, nhưng phổ biến nhất bao gồm hai cách giải thích.
Nhiều ý kiến cho rằng tên gọi “bánh vá” xuất phát từ dụng cụ dùng để đổ bột bánh vào chiên trông như cái vá múc canh, nên gọi là bánh vá. Trong khi đó, có người lại cho rằng vì một trong những nguyên liệu chủ yếu để chế biến bánh bao gồm giá, nên món ăn được gọi là “bánh giá”.
Dù được gọi theo cách nào đi chăng nữa, bánh vá (bánh giá) đều có chung đặc điểm là không chỉ thơm ngon mà còn gắn liền với văn hóa ẩm thực của một vùng Gò Công.
Thoạt nhìn, bánh vá có hình dáng khá giống bánh tôm Hồ Tây, nhưng khi thưởng thức, thực khách sẽ dễ dàng nhận ra được sự khác biệt của hai món ăn.
Bánh vá hấp dẫn với nhiều nguyên liệu phong phú bao gồm thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm mèo, đậu phộng, bột gạo, bột năng, đậu xanh,... Những thành phần đơn giản, dễ kiếm ấy qua bàn tay tài hoa và sáng tạo của người dân bản địa đã trở thành những chiếc bánh thơm ngon, thu hút thực khách gần xa.
Gạo và đậu xanh phải chọn loại ngon, đem xay thành bột hòa với trứng, bột mì, gia vị… Bánh được chiên trong chảo ngập dầu, khi dầu thật sôi thì bắt đầu cho thêm hỗn hợp bột với thịt, giá, đậu xanh..., mỗi thứ một ít. Quá trình chiên, người làm phải thật khéo tay để bánh không bị vỡ nát và tôm vẫn nổi trên bề mặt để bánh có hình dáng hấp dẫn nhất.
Bánh vá khi chiên xong sẽ có màu vàng ươm đẹp mắt với những con tôm đỏ au nổi bật bên trên, tỏa hương thơm chỉ ngửi thôi đã muốn thưởng thức ngay.
Vị ngọt của thịt, tôm, hòa cùng cái beo béo của bột, đậu xanh và hỗn hợp giòn giòn, sần sật của giá, nấm mèo… muôn kiểu hương vị cùng hòa vào chiếc bánh nóng hổi giòn thơm, ăn cùng với chút mắm tỏi ớt và rau sống nữa thì không thể chê vào đâu được.
Dễ ăn, dễ gây nghiện là vậy, thế nên không quá khó hiểu khi món bánh vá đã trở thành một điểm nhấn không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực vùng đất Gò Công.