Một số người cho rằng tên gọi "bánh vá" xuất phát từ cách đổ bột bánh vào chiên trông giống như cái vá múc canh. Một số khác lại cho rằng vì một trong những nguyên liệu chính để chế biến bánh là giá, nên món ăn được gọi là "bánh giá".
Có thể nói, đây là món bánh đơn giản nhưng ai đã thử qua một lần đều phải ấn tượng bởi hương vị đặc biệt của bánh, ăn rồi lại muốn ăn thêm, bởi thế mới có câu: "Anh ơi về tới Hòa Đồng / Nhớ mua bánh giá chợ Giồng tặng em”.
Bánh vá được làm từ hỗn hợp nguyên liệu gồm thịt heo nạc, tôm đất, giá, nấm mèo, nấm rơm, cải bắc thảo, bột gạo, bột năng, đậu xanh, óc heo, dầu thực vật hoặc mỡ heo. Tùy sở thích của mỗi người mà bánh có nhiều cách chế biến khác nhau.
Khi chiên bánh, muốn bánh giòn thì có thể thêm nhiều bột năng, muốn bánh mềm dẻo thì có thể cho nhiều bột gạo. Công đoạn chiên rất quan trọng, phải cho dầu ngập chảo rồi đợi thật sôi, khi ấy mới cho hỗn hợp nguyên liệu đã sơ chế vào vá, nhúng vá vào chảo rồi đợi bánh thành hình, có màu vàng sậm là vừa chín.
Đến khi bánh chín vàng, người làm bánh vớt bánh và để trên vỉ tre hoặc vỉ kẽm ở miệng chảo cho ráo dầu là bánh có thể ăn được. Khi hoàn thành, chiếc bánh có màu vàng óng đẹp mắt với nhân tôm đỏ tươi, mùi thơm quyến rũ khiến người ăn không thể cưỡng lại và xuýt xoa ngay lập tức.
Ăn kèm với bánh giá có bún, rau sống, rau thơm và không thể thiếu chén nước mắm tỏi ớt. Khi ăn, cái giòn béo của bột bánh cùng vị ngọt của tôm thịt, thêm giá chín dai dai và mùi thơm của rau sống hòa quyện lại với nhau, chấm vào nước mắm tỏi ớt chua chua ngọt ngọt thì tạo thành vị ngon bắt miệng mà không hề ngán.
Dễ ăn, dễ gây nghiện là vậy, thế nên không quá khó hiểu khi món bánh vá đã trở thành một điểm nhấn không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực vùng đất Gò Công.