Bánh xèo là món ăn vô cùng quen thuộc từ nông thôn đến thành thị, từ vỉa hè đến những nhà hàng sang chảnh đều có. Tại An Giang, có một "tiệm" bánh xèo vô cùng đặc biệt phục vụ hàng nghìn chiếc bánh xèo chay MIỄN PHÍ mỗi ngày cho khách thập phương.
"Tiệm" bánh xèo nằm trong khuôn viên thiền viện Đông Lai hoặc chùa Phật Nằm. Nằm tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, thuộc vùng đất Thất Sơn. Tại đây, người dân còn gọi thiền viện Đông Lai là chùa bánh xèo.
23 NĂM ĐÃI KHÁCH MIỄN PHÍ BẰNG BÁNH XÈO CHAY
Có lẽ đến An Giang nhắc tên đến thiền viện Đông Lai không ai là không biết. Có thể nói đây là điểm dừng chân quen thuộc của du khách khi đặt chân đến vùng đất này vì vừa là chốn linh thiêng vừa sở hữu không gian thanh tịnh, yên bình cùng truyền thống hiếu khách đặc biệt là làm bánh xèo miễn phí phục vụ cho du khách phương xa ghé thăm.
Được biết, từ năm 1999, khi khách thập phương đến cúng viếng, các sư thầy đã nghĩ đến việc thết đãi khách bằng bánh xèo chay. Truyền thống đó được kéo dài đến tận ngày nay.
Ban đầu, các sư thầy muốn để các vị khách phương xa có món để ăn chơi khi phải di chuyển quãng đường dài. Sau đó, việc đãi khách bằng bánh xèo chay của chùa được nhiều người biết đến. Từ một vài chiếc chảo, hiện nay chùa đã có hơn 40 chảo bánh, hoạt động liên tục tất cả các ngày trong tuần kể cả lễ, Tết phục vụ miễn phí. Theo đó, kinh phí để duy trì hoạt động do Phật tử thập phương đóng góp để duy trì hoạt động.
PHẬT TỬ TỰ NGUYỆN ĐỨNG BẾP ĐỔ BÁNH, XUNG QUANH LÀ HƠN CHỤC CHẢO LUÔN ĐƯỢM LỬA
Có một điểm đặc biệt mà ít "tiệm" bánh xèo nào có được là một người đổ bánh tại đây một lúc với 10 cái chảo xoay xung quanh. Tất cả đều là những phật tử địa phương tự nguyện đứng bếp, tuy không phải dân chuyên nhưng bánh nào bánh nấy đều được đổ mỏng dính với tiếng "xèo" liên tục vang lên trong khu bếp.
Tất cả các quy trình làm bánh du khách có thể tận mắt chứng kiến cảnh đổ bánh 10-12 chảo cùng lúc, chảo nào chảo nấy lửa cháy bùng bùng. Người đổ bánh liên tục luôn tay thực khách chỉ cần xếp hàng vòng quanh, đầu bếp sẽ đổ bánh vào đĩa cho từng người. Sau khi lấy bánh, du khách di chuyển về nhà ăn để thưởng thức.
Người đổ bánh chủ yếu là đàn ông vì phải liên tục đổ và sức nóng của 10 chiếc chảo lửa liên tục hoạt động từ nhóm củi, đổ bánh, đưa bánh cho khách. Chú Thạch - người đổ bánh tại thiền viện hơn 10 năm nay cho biết: "Công thức và mọi thứ đều được người dân trong xóm nghĩ ra để giúp chùa. Mỗi ngày sẽ có 8-9 người thay phiên nhau đổ bánh". Khi được hỏi về 1 lần ngồi đổ bánh lâu nhất của chú thì chia sẻ thật thà: "Mỗi lần ngồi như này chỉ được khoảng 1 tiếng đồng hồ thôi vì nóng quá. Khi vãn khách thì sẽ tranh thủ ngồi làm sẵn rồi nghỉ một chút".
Dù là đàn ông những những "thợ" đổ bánh xèo này vô cùng khéo léo và chuyên nghiệp.
Nguyên liệu đổ bánh xèo cũng do hoàn toàn các phật tử chuẩn bị vô cùng đơn giản bao gồm: vỏ bánh làm bằng bột gạo pha với nước dừa có độ béo ngọt, phần nhân có đậu xanh nguyên hạt, tàu hũ, giá đỗ, thêm nấm mèo và củ sắn xắt sợi. Và đặc biệt hơn là rau sống cũng được người dân địa phương hái các loại rau rừng trên núi Thất Sơn về ăn kèm. Vì vậy, sẽ có rất nhiều loại rau mà nhiều người chưa được thưởng thức bao giờ.
Nguyên liệu bánh xèo chay được chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng với dầu, đậu xanh, củ sắn.
LÒ BÁNH XÈO HẾT CÔNG SUẤT ĐỔ 6.000 - 7.000 CHIẾC/NGÀY, CÓ KHI NHIỀU GẤP 3 - 4 LẦN
Chùa bánh xèo cũng là địa điểm được nhiều người biết đến bởi xuất hiện rất nhiều trong các clip của các YouTuber. Chú Thạch chia sẻ: "Chùa sẽ đông nhất vào dịp tháng Giêng, ngày nào cũng đông khách đến. Còn về bình thường thì lượng khách cũng nhiều, đặc biệt là ngày mùng 1 và rằm hàng tháng".
Được biết, mỗi ngày thường đổ khoảng 6000-7000 cái bánh, riêng ngày thứ bảy – chủ nhật, dịp rằm lễ thì chùa phải huy động đến 8-9 người để thay phiên nhau đổ.
Rau sống được người dân địa phương hái trong rừng về luôn tươi ngon.
Không những vậy, thiền viện Đông Lai còn có nhà ăn tập thể vô cùng thoáng mát, sạch sẽ và đẩy đủ. Cô Thương cũng cho biết: "Bánh xèo ở đây ngon, vỏ bánh giòn rụm, vẫn giữ được độ béo, nhân đậm đà. Nước chấm vừa miệng, ngon nhất chắc có lẽ là rau, có nhiều loại rau rừng lần đầu tiên mình được ăn".
Chị Hân, du khách tại An Giang cho biết: "Bánh xèo rất ngon và ăn không bị ngán, cảm nhận được vị đặc biệt hơn nơi khác, một phần chắc là do nhìn thấy cảnh các chú làm trực tiếp nên thích hơn".
Khách đến ăn được ngồi bàn sạch sẽ và chuẩn bị sẵn mắm, ớt... đàng hoàng
Thật vậy, nếu tận mắt đến đây chứng kiến bạn sẽ thấy chiếc bánh xèo này ngon hơn bao giờ hết. Có thể thấy, con người miền Tây sông nước luôn đối đãi với mọi người một cách dễ thương và đặc biệt ví như bằng các bữa ăn miễn phí quen thuộc như thế này.