Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao khi ngăn chặn và kiểm soát đại dịch Covid-19 rất nhanh chóng và hiệu quả. Lợi thế này giúp Việt Nam hưởng lợi, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thu hút dòng đầu tư khi các tập đoàn đa quốc gia đang sắp xếp lại các chuỗi cung ứng. Tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India) (Ấn Độ) vừa có bài bình luận về những thành tựu rất đáng để học tập của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020, một năm đặc biệt của thế giới.
Trong bài bình luận, tờ nhật báo của Ấn Độ cho rằng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc việc chống dịch Covid-19. Với dân số 97 triệu người và một đường biên giới tấp nập giao thương với Trung Quốc, nhưng tới lúc này, Việt Nam chỉ có hơn 350 ca nhiễm SARS-CoV-2 và không có bệnh nhân nào tử vong. Kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã có thể hưởng lợi từ việc sớm quay trở lại với trạng thái bình thường mới. Đó là thu hút các khoản đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia đang tìm đường sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội ở Việt Nam ít tác động với việc kinh doanh hơn khi Chính phủ đã cho phép các nhà máy và doanh nghiệp hoạt động trở lại. Theo bài báo, ngay cả trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã là điểm sáng về thị phần xuất khẩu tại châu Á suốt 5 năm qua. Nhờ đó, tăng trưởng của nền kinh tế luôn ở mức 7%.
Bài báo cho biết, trong khi các nền kinh tế khác được dự báo suy giảm mạnh trong năm 2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 4,1%. Còn ngân hàng HSBC đã dùng cách chơi chữ với đặc sản Phở để phong cho Việt Nam danh hiệu ‘Hiện tượng Việt Nam’ (Pho’nomenal Vietnam - PV). Đó là cách để thế giới ghi nhận việc Việt Nam quản lý đại dịch và nền kinh tế tốt như thế nào.
Tối đa hóa nguồn lực để chiến thắng Covid-19
Tác giả Renuka Bisht nhận định rằng "chìa khóa" của Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19 và tăng trưởng kinh tế chính là quản lý tốt. ‘Không phải là Việt Nam không có những điểm yếu. Đất nước này cũng không phải gặp may. Bài học rút ra được là cách Việt Nam hạn chế những yếu kém của mình và tối đa hóa sức mạnh. Tận dụng tốt nhất những gì có trong tay để chiến thắng.” Bài báo viết.
Trước hết là cuộc chiến với Covid-19, cơ sở vật chất y tế của Việt Nam không thể dồi dào và hiện đại như các nước láng giềng trong khu vực. Nếu đại dịch bùng nổ tới con số hàng trăm nghìn người nhiễm, chắc chắn hệ thống y tế ở đây cũng quá tải. Việt Nam chỉ có khoảng 8 bác sỹ trên 10.000 người dân, dù cao hơn so với Ấn Độ nhưng không thể so sánh với con số trung bình 22 bác sỹ ở Brazil hay 26 bác sỹ ở Mỹ. Vậy làm cách nào để một Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực lại chuẩn bị và ngăn chặn tốt tới vậy?
Đó là tuyên chiến với virus SARS-CoV-2, coi nó như kẻ thù – như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra từ tháng 1. Đó là huy động quân đội và các cơ quan nhà nước để giám sát, tìm kiếm và truy dấu những người nhiễm và đưa họ đi cách ly tập trung. Điều quan trọng là tổ chức bài bản và thực hiện nghiêm túc.
Nhiều người nghi ngờ việc đất nước này có thể tạo nên kỳ tích như vậy. Nhưng sự thật là chính lòng yêu nước đã giúp huy động cả xã hội Việt Nam cùng chống dịch. Sẽ không có điều này nếu không có một bộ máy Chính phủ hiệu quả. Giờ đây, người Việt Nam không khỏi cảm thấy tự hào khi đất nước mình đã vượt qua cả thế giới trong kiểm soát Covid.
Tận dụng thời cơ kinh tế
Bài báo của Thời báo Ấn Độ cũng cho rằng, vượt qua đại dịch, Việt Nam còn lập nên thành tựu tiếp theo về quản lý kinh tế. Hà Nội tận dụng các gói kích thích kinh tế sau đại dịch Covid-19 để giải quyết các yếu kém về hạ tầng vốn cản trở hội nhập của doanh nghiệp nội địa với chuỗi giá trị toàn cầu. Từ các tuyến tàu điện đô thị tới cao tốc, các dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ.
Nhưng thành quả đáng chú ý nhất làm nên dấu ấn của Việt Nam là Hiệp định Thương mại tự do ký với Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA được phê chuẩn tháng 6. Mặc dù để được hưởng lợi ích từ Hiệp định này, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các rủi ro như bị đánh giá toàn bộ chuỗi cung ứng trước khi nhận được ưu đãi thuế bằng 0.
Điều này là một thách thức bởi kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Nhưng giờ là lúc Việt Nam từ bỏ ‘lối chơi phòng thủ’, chấp nhận rủi ro để có thể vươn lên. “Để thay đổi tương lai, Hà Nội đang hành động bằng cách xây dựng các liên kết, lên kế hoạch cho sự thay đổi trong dài hạn. Với tầm nhìn như vậy, EVFTA chắc chắn là thành công vang dội”, tác giả Renuka Bisht phân tích./.