Bao cao su (BCS) - ca pốt bắt nguồn từ chữ capote trong tiếng Pháp nghĩa là trùm đầu, bao trùm. Đáng ra ca pốt sẽ thực hiện đúng chức năng như ý nghĩa tên gọi của nó, chỉ có điều khi được phổ cập đến Việt Nam, thứ bong bóng này lại dành cho nhóm đối tượng hoàn toàn khác, với mục đích trôi xa ngàn dặm khỏi chức năng ban đầu.
Giấu kín bao cao su trên gác bếp, xó chạn!
Hồi đó dì tôi làm y tá của Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình nên dì thường dúi cho mẹ tôi nhiều bao cao su hơn người khác. Ngày xưa chủ đề tình dục là cái gì đó cấm kỵ tuyệt đối trong gia đình nên không ai được phép nhắc đến, kể cả giữa bố mẹ với nhau. Mẹ tôi được dì cho thì cũng… để đấy. "Thứ nhất là ngại, thứ hai là cả năm cả đời có thấy ai người ta dùng bao giờ đâu mà biết. Đồ dùng kín đáo, tế nhị, đưa cho trẻ con chúng bay lại đâm phiền." – Mẹ tôi phân trần.
Bao cao su Ca pốt trứ danh một thời (Ảnh: Internet).
Nhà có ba đứa con đang tuổi ăn tuổi nghịch, mẹ tôi phải giấu ca pốt lên tận tít trên cùng xó chạn, thậm chí ở cả bàn thờ cho lũ con khỏi tò mò mà vẫn không giấu nổi. Có lần tôi nhấm nháy với anh Vinh trèo lên bàn thờ lấy bong bóng ra thổi nhưng hàng mới nên vẫn còn nhớt, hai anh em đem ra bể nước rửa thì bị mẹ tôi bắt quả tang. Khỏi phải nói mẹ tôi giận dữ đến thế nào, bà tịch thu tất cả cá ngựa gỗ và bi ve của chúng tôi, hạ lệnh sẽ cho nhịn cơm nếu còn tái phạm. Bố tôi không nói gì, chỉ đè mỗi đứa ra đánh đòn năm gậy cho chừa thói nghịch linh tinh.
Các bà mẹ thường rất nhạy cảm và ngượng ngùng khi nhắc đến chủ đề bong bóng ca pốt (Ảnh: Internet).
Từ bé đến lớn tôi chỉ được lén lút chơi ca pốt với bạn. Mãi cho đến trước đêm tôi đi lấy chồng, mẹ tôi mới vào phòng dặn dò: "Vợ chồng lấy nhau về rồi thì liệu mà con cái. Mấy cái đồ người ta phát cho thì biết mà dùng, xưa bố mày lúc tếu táo với anh em thì mạnh miệng lắm nhưng đến khi phải dùng thì lúng ta lúng túng, bỏ đi không được mà dùng cũng không xong, thành ra lần đầu cũng là lần cuối luôn. Chồng nó ngại thì mình phải biết đường mà cư xử giữ thể diện cho nó biết chưa?" - Mẹ tôi nói xong đi ra ngoài luôn, còn tôi thì bất ngờ nên cũng cứng họng chẳng biết nói gì. Hành trang lên đường về nhà chồng của cô gái 19 tuổi cũng chỉ có thế!
Bóng bay thổi bằng bao cao su vừa dai vừa dày, chơi được lâu mà lại không lo bị vỡ (Ảnh: Internet).
Cán bộ cứ phát bao, vợ chồng thì cứ đẻ
Ngày ấy nhà ít thì 3-4 đứa, nhà đông con thì cứ 7-10 đứa trở lên. Loan Thủng là bạn khu tập thể của tôi, nó là con út trong gia đình tám anh chị em, chữ 'thủng' trong tên nó cũng từ cái ca pốt này mà ra cả. Ý nghĩa thì các chị em cũng biết cả rồi đấy, nhưng lũ trẻ con ngày ấy nào có biết gì. Bố nó bị cán bộ KHHGĐ hỏi tội vì cấp BCS không thiếu đợt nào mà đứa nó gối đầu đứa kia cứ ra đời liên tục. Bị cán bộ hỏi vặn trước mặt các con, bố nó chẳng biết giải thích thế nào đành gân cổ lên cãi: "Chị cho cái nào tôi thổi bóng cho các cháu chơi hết đấy thôi, có vứt đi cái nào đâu mà bảo lãng phí!".
Vỡ kế hoạch là chuyện thường như ở huyện thời bấy giờ (Ảnh: Internet).
Đúng như lời "chối tội", bố mẹ Loan Thủng luôn thoải mái với hai chữ ca pốt. Nhà đông con, đồ chơi thì chẳng có nên bố mẹ nó cho tám anh em mặc sức tung hoành lấy ca pốt chơi bóng nước, cắt lấy cái vòng chơi bắn nịt, sau này anh em nó còn chế ra trò vò ca pốt xuống nước cho có tiếng 'chít choét' vui tai, đứa nào tiếng to nhất đứa đấy thắng. Giờ nghe thì thấy nhạt nhẽo, chứ với lứa 7x chúng tôi thì không gì vui bằng một chiếc ca pốt trong tay để vênh mặt vì thứ bóng bay này có bán ngoài hàng đâu!
Nhớ lần đầu tiên thấy bóng bay lạ lùng này treo trên cành đào Tết nhà cái Loan, tôi thắc mắc sao bóng bay lại có… ti, mẹ cái Loan tỉnh bơ bảo hàng của Pháp nó phải khác hàng Việt, còn vì sao bóng này lại không bán ở ngoài thì đơn giản đây là đặc quyền của người lớn – Bố nó giải thích ngắn gọn.
Các gia đình vượt kế hoạch sẽ bị cắt thi đua, khen thưởng của cơ quan (Ảnh: Internet).
Sau này ngồi nói chuyện với Loan tôi mới sau sự cố với ca pốt thủng dẫn đến sự ra đời của đứa thứ tám, bố nó đã đưa mẹ đi đặt vòng để gia đình không "nở" ra thêm nữa. "Động đến là súng ống đơ hết cả, trời cho tám đứa con là quá đủ rồi. Thi đua, lương thưởng chẳng có, đẻ nữa thì lấy gì mà nuôi!", Loan vừa cười vừa thuật lại lời bố nó nói trong lúc chè chén với con rể.
Các cụ nhà tôi đến giờ vẫn choáng ngợp trước sự phổ biến của BCS trong cuộc sống thường ngày. Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn bảo đúng là "vẽ đường cho hươu chạy" cho tụi trẻ nít. Nhưng trẻ nít trong mắt cụ thôi, con cháu giờ đã 18, 20 cả nên đâu thể như ngày xưa được mãi. Vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn là để nó chạy lung tung, các chị nhỉ?
Giữa vòng quay bộn bề của cuộc sống, đôi khi khoảng cách thế hệ khiến bố mẹ và con cái xa nhau. Đã bao lâu rồi chúng ta chưa ngồi bên bố mẹ để tỉ tê về những chuyện xưa cũ, về những niềm vui và nỗi buồn đã qua?
Chuỗi bài viết Chuyện xưa kể lại đem đến một góc nhìn vừa quen vừa lạ về tình yêu, cuộc sống hôn nhân & gia đình những năm 70, 80 của thế kỷ trước – Thời của đói kém, khó khăn nhưng cũng không thiếu những nguồn vui!
Hãy chậm rãi tận hưởng những con chữ để thêm yêu và thấu hiểu những con người của một thời đã xa chị em nhé.