Sáng nay (6-9), bão vẫn ở ngoài Biển Đông (cách đảo Hải Nam khoảng 100km về hướng Đông). Tại Hà Nội, trời vẫn nắng ráo và oi nóng. Dòng người vẫn đổ ra đường đi làm, đi học như bình thường.

Bão chưa vào nhưng Hà Nội đã “cháy” thực phẩm - Ảnh 1.

Bão chưa vào nhưng Hà Nội đã “cháy” thực phẩm - Ảnh 2.

Thế nhưng, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và nhất là tại các chợ dân sinh, từ sáng sớm nay, nhiều mặt hàng thực phẩm tươi và khô đã gần như hết sạch, do nhiều người đổ xô tranh thủ mua hàng dự trữ để phòng mưa bão.

Chị Hồng Hà (quận Thanh Xuân) cho biết, lúc 8 giờ sáng ra chợ cóc gần nhà, gần như không còn rau, thịt cá để mua. Nhiều sạp thịt, rau quả đã bị trống trơn, cảm tưởng như cơn bão vừa quét qua. Chị Thu Hương ở phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cũng than thở: “Lượn qua hai chợ cóc, tôi chỉ kịp mua được 5 lạng thịt”.

Bão chưa vào nhưng Hà Nội đã “cháy” thực phẩm - Ảnh 3.

Bão chưa vào nhưng Hà Nội đã “cháy” thực phẩm - Ảnh 4.

Tại chợ La Cả (phường Dương Nội, quận Hà Đông), các loại rau củ quả và thịt cá đã được mua vét từ sáng sớm. Đến 9 giờ sáng, những người đi chợ muộn hầu như không mua được gì. Chị Việt Hà thông tin, mỗi mớ rau có giá trung bình khoảng 15.000 đồng/bó trong khi bình thường chỉ 5.000-7.000 đồng/mớ rau muống, mùng tơi…

Trao đổi với PV Báo SGGP, một chủ quán ăn ở phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, giá cả các loại rau củ, thịt cá hôm nay tăng hơn bình thường khoảng 20-30%. Mặc dù giá cao nhưng tâm lý chung của nhiều người là mua tích trữ dù giá cao hơn, dẫn tới giá thực phẩm bị đẩy lên, hàng hóa hết sớm...

Bão chưa vào nhưng Hà Nội đã “cháy” thực phẩm - Ảnh 5.

Chị Thanh Mai (ở quận Hà Đông) cho biết, lúc gần 8 giờ sáng vào siêu thị, nhiều kệ thực phẩm cũng đã sạch bách. Lượng người mua đông. “Tôi thấy khan hàng và có tình trạng mua vét giống như hồi có dịch. Rất may tôi gom được một ít đồ dự trữ”, chị Mai chia sẻ.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa gửi công điện đến 15 cục dự trữ nhà nước tại khu vực, yêu cầu sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả mưa lũ. Các cục dự trữ được yêu cầu trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và triển khai biện pháp bảo vệ an toàn người, tài sản, hàng hóa.

Bão chưa vào nhưng Hà Nội đã “cháy” thực phẩm - Ảnh 6.

Các đơn vị phải kiểm tra kho hàng, chuẩn bị sẵn phương án phối hợp với địa phương để ứng phó kịp thời mọi tình huống xảy ra. Đối với các cục đang thực hiện nhập, xuất hàng, cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản. Đồng thời, các cục dự trữ cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện và hàng hóa để hỗ trợ các địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền.