Trong khi đó, đã có 2 ổ dịch tiêu chảy cấp do E.Coli vừa xuất hiện tại TPHCM và nguy cơ này đe dọa có thể bùng phát bất cứ lúc nào tại các đô thị lớn.
Nước sinh hoạt đục ngầu tại quận Bình Tân (TPHCM). Ảnh: Trần Phan
Mạng lưới cung cấp nước sạch chưa phủ kín được 100% số hộ dân, chất lượng nước cũng chưa đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đang là thực trạng của TPHCM hiện nay.
Nước đã qua xử lý vẫn có vấn đề
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, nguồn cung cấp nước cho thành phố chủ yếu từ sông Đồng Nai qua xử lý của Nhà máy nước Thủ Đức và Cty cấp nước Bình An. Riêng nước từ sông Sài Gòn qua xử lý của Nhà máy nước Tân Hiệp. Ngoài ra, có nguồn nước ngầm được Cty TNHH một thành viên nước ngầm Sài Gòn xử lý với công suất 60m3/ngày. Tất cả các nguồn nước trên sau khi xử lý sẽ theo hệ thống đường ống cấp nước đến từng nhà dân.
Tuy nhiên, thực tế chất lượng nguồn nước theo giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho thấy, nước chưa qua xử lý và cả xử lý đến tay người dân đều có vấn đề. Các mẫu nước sông tại họng thu nước các nhà máy đều có hàm lượng amoniac vượt tiêu chuẩn cho phép. Các mẫu nước lấy tại sông Đồng Nai - nơi được trạm bơm Hóa An, Nhà máy nước Bình An xử lý - đều có hàm lượng nitrit cao. Riêng tại họng thu nước từ Nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp có nồng độ coliforms cao.
Mới đây nhất vào tháng 7.2014, đoàn Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra tại ba nhà máy nước lớn nhất, có công suất trên 1.000m3 là Thủ Đức, Bình Chánh và Phong Phú (Bình Lợi 3) đều phát hiện không đạt chỉ tiêu clo dư ngay từ gốc; lượng mangan, sắt đều cao hơn mức cho phép, có khả năng gây nhiễm độc.
Có những nơi không phát hiện được clo dư trong nước như ở quận 8, Bình Tân, Nhà Bè... Khi clo dư không còn trong đường ống sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn bên ngoài tấn công vào nguồn nước. Ngoài ra, một loạt trạm cấp nước dưới 1.000m3 đều có vấn đề như trạm cấp nước ở quận 8 phát hiện lượng vi khẩn coliforms (tác nhân gây tiêu chảy) cao gấp 10 lần cho phép; trạm cấp nước ở quận Bình Tân, Nhà Bè, Cần Giờ... phát hiện có vi khuẩn E. coli.
Qua tìm hiểu, phần lớn các nhà máy nước hiện nay chỉ châm clo ở đầu nguồn, còn nơi cuối nguồn thì gần như không được châm clo. Trong quá trình truyền tải nước, lượng clo bốc hơi dần, đến cuối nguồn thì không còn clo dư để “chế ngự” vi khuẩn. Trong khi đó, chất lượng nước máy ở các hộ dân không đạt tiêu chuẩn lý hoá do có hàm lượng CaCO3, hàm lượng oxy hoá, hàm lượng NO3... vượt mức quy định.
Nguy cơ dịch bệnh rất cao
Việc xuất hiện 2 ổ dịch tiêu chảy cấp tại huyện Bình Chánh vừa qua đã cho thấy ô nhiễm nước bề mặt đang rất nghiêm trọng. Ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, tại khu vực xảy ra tiêu chảy cấp ở huyện Bình Chánh đa số người dân dựng cầu tiêu trên ao cá, sau đó dùng chính nước ao này làm nước sinh hoạt nên khả năng lây lan tiêu chảy cấp rất cao. Mặc dù có nơi có nước máy nhưng nước yếu hoặc đục nên họ không sử dụng.
Tại các quận ngoại thành và các huyện vùng ven, vấn đề đảm bảo nước sạch cho người dân lại càng nghiêm trọng hơn khi mạng lưới đường ống chưa thể phủ kín 100% số hộ dân, thậm chí tại nhiều nơi như ở quận 12, nhiều phường chỉ có 1% người dân được dùng nước sạch. Số còn lại phải sử dụng nguồn nước ngầm hoặc mua nước từ bồn và từ các cơ sở cung cấp nước có quy mô nhỏ tại địa phương.
Những cơ sở này thường rất khó để đảm bảo được các yêu cầu về vi sinh, chất lượng theo chuẩn. Mới đây, Công ty cấp nước Trung An đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 xét nghiệm một số mẫu nước ngầm trên địa bàn đã phát hiện một số mẫu thử tại các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông... có nhiễm khuẩn, hàm lượng mangan, Fe vượt quá mức cho phép và độ pH không đạt tiêu chuẩn.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, kiểm tra 320 mẫu nước giếng ở các huyện vùng ven thành phố có hơn 54% nhiễm vi sinh, nhiễm amoniac, pH, độ đục, độ màu còn nhiễm sắt, mangan và nồng độ nitrate vượt cao so với giới hạn cho phép. Kiểm tra vi sinh các trạm cấp nước giếng tập trung trên 500 dân ở TPHCM thì có gần 30% số mẫu không đạt.