Nghiện ngập, vướng vòng lao lý
Môi trường hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam có cả những góc khuất, mặt trái. Nhiều nghệ sĩ vi phạm thuần phong mỹ tục như văng tục, chửi bậy khi phát sóng trực tiếp (livestream), nhục mạ khán giả trên không gian mạng... Một số nghệ sĩ khiến người hâm mộ thất vọng vì sử dụng chất cấm, dính vào vòng lao lý. Đây là những tiền lệ xấu với lớp nghệ sĩ trẻ, gây nguy hại đến những người hâm mộ trẻ và toàn xã hội.
Mới đây, Lệ Hằng - nữ diễn viên từng gây chú ý bởi vai Hoài Thatcher trong Xin hãy tin em vừa bị khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma túy. Cô bị bắt khi đang có hành vi mua bán ma túy trái phép tại Hà Nội. Thông tin này khiến khán giả bất ngờ bởi hơn 10 năm qua, ít ai biết về cuộc sống của nữ diễn viên. Lệ Hằng có cuộc sống kín tiếng sau khi thông báo giải nghệ. Với người yêu truyền hình, Lệ Hằng từng là gương mặt quen thuộc với nhiều bộ phim khác như Những ngọn nến trong đêm, Cổ cồn trắng, Chuyện phố phường, Phi đội chuồn chuồn…
Trước Lệ Hằng, một số trường hợp vướng vòng lao lý vì liên quan đến chất cấm. Ca sĩ Châu Việt Cường nhét tỏi vào mồm gây chết người năm 2019. Tháng 6/2022, khi công an kiểm tra hành chính, phát hiện nam diễn viên Hữu Tín dương tính với ma túy. Nam diễn viên bị truy tố về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trước khi bị bắt, Hữu Tín là diễn viên của sân khấu kịch, từng giành quán quân Cười xuyên Việt- Tiếu lâm hội 2016, Quán quân Nghệ sĩ đa tài 2017…
Hiệp “Gà” cũng là gương mặt khiến nhiều khán giả nuối tiếc, ngay khi ở đỉnh cao của sự nghiệp, nam ca sĩ vướng phải sai lầm lớn - tàng trữ và sử dụng ma túy. Năm 2007, Hiệp bị bắt vì tội tàng trữ ma túy, phải ngồi tù 17 tháng. Trước khi vướng vòng lao lý, nam nghệ sĩ hài đã sống trong nghiện ngập với những hình ảnh bệ rạc. Năm 2020, Hiệp “Gà” hoạt động trở lại trong giới nghệ thuật, anh xuất hiện trong phim điện ảnh Tiền nhiều để làm gì.
Không chỉ lớp nghệ sĩ trẻ mà ngay cả những nghệ sĩ có bề dày hoạt động cũng sập bẫy ma tuý. Khi bước qua sườn dốc sự nghiệp, nam diễn viên Thương Tín sa vào cờ bạc, nghiện ngập. Vào năm 2007 ông cùng một số đối tượng tổ chức đánh bạc tại một quán cà phê và đã bị lực lượng công an phát hiện và khởi tố.
Trước đó, năm 1990, vợ của Thương Tín qua đời. Không chịu nổi cú sốc này, nam diễn viên lao vào ma túy. Trước khi sa vào chất cấm, ông được ngưỡng mộ với những vai diễn kinh điển như vai Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, vai Lưu Kỳ Vọng trong phim Ván bài lật ngửa... Nghệ sĩ thay vì là tấm gương sáng về lối sống để người hâm mộ nhìn vào, một bộ phận gây ra sự xuống cấp đạo đức của giới hoạt động nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang khẳng định, trước khi bàn tới những thói tật của nghệ sĩ thời nay, cần phân định rõ ràng danh xưng và những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật. Trường hợp nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật nhưng có hành vi vi phạm pháp luật, làm trái đạo đức xã hội, anh Ngô Hương Giang cho rằng, có ba nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trước hết, chế tài đối với quy tắc ứng xử của nghệ sĩ chưa chặt chẽ. Thứ hai, trách nhiệm của nghệ sĩ trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, tinh thần cống hiến những tác phẩm hay cho khán giả chưa được phát huy. Việc nghệ sĩ đánh mất ý thức trách nhiệm là tín hiệu cho thấy sự xuống cấp của danh xưng nghệ sĩ, của nền nghệ thuật quốc gia.
Không thể dễ dãi
Những lùm xùm trong giới nghệ thuật, giải trí Việt có lẽ xuất phát từ sự dễ dãi, hời hợt, buông lỏng trách nhiệm. Khán giả dễ dãi với nghệ sĩ, nghệ sĩ dễ dãi với chính mình trong bối cảnh chế tài chưa đủ mạnh. Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang cho biết, lùm xùm là yếu tố không tránh khỏi trong thời đại bùng nổ của truyền thông, mạng xã hội. Đây không phải nỗi nhức nhối của riêng nền nghệ thuật Việt Nam. “Khâu quản lý nghệ sĩ ở Việt Nam khá lỏng lẻo. Một thời gian dài chúng ta bỏ bê, chưa đưa ra chế tài mạnh mẽ với nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực. Bởi thế, đến tận hôm nay mới xảy ra cơn bùng phát scandal”, Ngô Hương Giang nêu.
Khán giả cũng góp phần tạo ra môi trường nuông chiều nghệ sĩ. Thực trạng số đông nghệ sĩ ảo tưởng về quyền lực có một phần lỗi của khán giả. Các chuyên gia chỉ ra, trước đây, khán giả không có biện pháp, thái độ dứt khoát với nghệ sĩ vi phạm. Họ không sẵn sàng quay lưng với hành vi gây hại cho xã hội của nghệ sĩ, thậm chí nhanh chóng tha thứ cho lỗi lầm của người nổi tiếng.
Dự kiến tháng 10/2023, văn bản quy định về quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục được hoàn thành và trình lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét. Các chuyên gia văn hóa khẳng định, đây là biện pháp cứng rắn từ cơ quan quản lý văn hoá nghệ thuật. Việc hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đảm bảo tính nghiêm minh về pháp luật, về yếu tố cấu thành danh xưng nghệ sĩ. Những quy định này góp phần ổn định môi trường giải trí.
TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) nhận định, mỗi người nổi tiếng đều có lượng khán giả hâm mộ nhất định. Khi cộng đồng người hâm mộ càng lớn mạnh, sức ảnh hưởng của nghệ sĩ đó đến với công chúng, cộng đồng sẽ tăng lên. “Sức ảnh hưởng của nghệ sĩ có thể thay đổi, định hướng suy nghĩ, hành vi của một bộ phận người hâm mộ”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nêu.
Không thể phủ nhận ảnh hưởng của nghệ sĩ, KOLs đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Vì thế, nghệ sĩ vi phạm pháp luật dễ dàng tác động tiêu cực đến quan niệm sống và giá trị của người hâm mộ trẻ tuổi. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định, nghệ sĩ là người của công chúng luôn là tâm điểm, cho nên “cử chỉ sai lệch cũng sẽ có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Nhận thấy hạn chế của Bộ Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật được ban hành trước đó, Bộ VHTTDL kỳ vọng vào sự hợp tác với Bộ TT&TT nhằm đề xuất quy định mới để điều chỉnh hành vi, chuẩn mực đạo đức của nghệ sĩ. Đây là những hành lang pháp lý củng cố quy định trước đó nhằm kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh.