Báo động nạn phá thai ở trẻ vị thành niên - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Tỷ lệ nạo phá thai ngày càng tăng

Theo số liệu của Khoa Sức khoẻ Sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2023 tổng số ca nạo phá thai tại đây là 409 ca (trong đó 58 ca là trẻ vị thành niên), tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2022 (295 ca). Đây thực sự là con số báo động về tình trạng nạo phá thai độ tuổi vị thành niên.

Điển hình như em N.T.L., 14 tuổi ở huyện Vĩnh Cửu, đang là học sinh, được bố và dì đưa đi phá thai. Do bố mẹ chia tay, em T. ở với bố, nhưng bố lập gia đình mới và phải đi làm xa nên cũng ít quan tâm đến các hoạt động cũng như các mối quan hệ bạn bè của con gái. Đến khi nhìn thấy con có những biểu hiện bất thường, gặng hỏi thì mới biết cháu đã có bầu, được gia đình đưa đi khám thì thai nhi đã được 8 tuần tuổi. Vì con còn quá nhỏ lại đang đi học nên gia đình quyết định cho cháu phá bỏ thai.

Tương tự em N.P.T.T., (16 tuổi) được mẹ đưa đi khám thì phát hiện đã có bầu được 7 tuần tuổi, gia đình cũng quyết định bỏ đứa bé. Do thai nhi còn nhỏ, nên các bác sĩ cho em T. uống thuốc để bỏ thai.

Những trường hợp trên không phải hiếm gặp khi hàng năm tại Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong số này có 30% phụ nữ độ tuổi từ 15-19 tuổi với 70% là học sinh, sinh viên. Trong khi đó, độ tuổi vị thành niên có thai đang ngày một nhỏ hơn khi trẻ hiện có xu hướng dậy thì từ sớm.

BS.CKI Đinh Thị Vân - Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Đồng Nai cho biết: Hiện nay, giới trẻ có xu hướng quan hệ tình dục sớm. Tại Khoa Sức khỏe sinh sản, có những bé mới 14 tuổi đã tới phá thai. Trung bình mỗi tháng, phòng khám tiếp nhận khoảng gần 10 trẻ vị thành niên đến để phá thai, cho thấy tỷ lệ nạo phá thai ngày càng tăng và càng trẻ hoá. Nhưng đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì theo ghi nhận tại các cơ sở công lập và các phòng khám tư có đăng ký nạo phá thai, con số này cũng không nhỏ, tuy nhiên chưa được báo cáo.

Cũng theo BS.CKI Đinh Thị Vân, đa phần những trẻ vị thành niên đến phá thai đều có hoàn cảnh như bố mẹ bỏ nhau, không quan tâm đến con cái, hoặc con không ở chung với bố mẹ.

Phá thai ở tuổi vị thành niên dẫn đến tỷ lệ vô sinh cao

BS.CKI Đinh Thị Vân cho biết, một trong những tác hại nghiêm trọng của việc phá thai là dẫn đến vô sinh, khoảng 20% ca điều trị vô sinh có tiền sử phá thai. Nguyên nhân dẫn đến vô sinh có thể đến từ nhiều hình thức phá thai không an toàn khác nhau. Các em còn quá trẻ chưa ý thức được và lo sợ nên có thể không sử dụng thuốc kháng sinh hoặc không biết cách giữ vệ sinh sau phá thai. Nhiều trường hợp vô sinh do tự ý phá thai bằng thuốc đông y hay các loại thảo dược dân gian một cách sai lầm. Phổ biến hơn cả là các hình thức phá thai tại các cơ sở phá thai tư nhân không đủ điều kiện vệ sinh, vô khuẩn hoặc phá thai không hợp pháp, không đảm bảo an toàn dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, viêm nhiễm, sót rau, tổn thương tử cung, thậm chí có thể gây tử vong. Nhiều em sau đó đã không thể làm mẹ hoặc gặp những sang chấn tâm lý suốt cuộc đời.

Trẻ vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi này, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Các bậc phụ huynh và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.

Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.