Thời gian qua, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên có chấn động về tâm lý, rối loạn trầm cảm... Trong số này có bệnh nhi 13 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao.

Trước khi được phát hiện bệnh, trẻ cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ và thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về cách sống. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ rơi vào vào trầm cảm và tự tử bằng thuốc giảm đau. May mắn, trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị kịp thời.

Báo động trầm cảm ở trẻ vị thành niên: Khi nào cần đưa đến bác sĩ? - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi bị mất ngủ, rối loạn lo âu. Ảnh: Thu Trang

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ, 14 tuổi, chủ yếu sống cùng ông bà nội. Vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, vui vẻ nhưng khoảng 1 năm đây trẻ lầm lì, ít nói, học tập sa sút... Sau một thời gian quan sát, người thân phát hiện trẻ thường xuyên mất ngủ, thậm chí còn tìm hiểu về cách tự sát trên mạng xã hội. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ kết luận, trẻ có dấu hiệu của trầm cảm nặng.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, từng cho biết trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp. Đáng nói là nguyên nhân dẫn đến tự tử ở lứa tuổi này phần lớn là do rối loạn trầm cảm.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Trầm cảm là vấn đề hay gặp ở trẻ vị thành niên, thế nhưng đôi lúc cha mẹ không nhận biết được, thậm chí còn bị nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này.

Điều dưỡng, Ngô Thị Thanh Hoa, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết trẻ vị thành niên bị trầm cảm có nguy cơ tự làm hại bản thân nhiều hơn. Ở thể nhẹ, một số trẻ cảm thấy "không vui" hoặc "buồn", ở thể nặng, trẻ lại muốn làm tổn thương mình hoặc thậm chí là có ý định tự sát. Do đó, trẻ vị thành niên bị trầm cảm được phát hiện và điều trị sớm, kịp thời.

Báo động trầm cảm ở trẻ vị thành niên: Khi nào cần đưa đến bác sĩ? - Ảnh 2.

Chuyên gia khuyến cáo đưa trẻ có dấu hiệu trầm cảm đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Ảnh: M.Khánh

Theo các bác sĩ, có nhiều dấu hiệu để nhận diện trẻ đang gặp rối loạn tâm thần, trầm cảm, stress nhưng các gia đình thường rất khó để nhận biết trẻ có thật sự cần phải can thiệp tâm lý hay không?

Đối với trẻ vị thành niên bị trầm cảm, các triệu chứng trên có thể bị ẩn nấp, khó nhận ra. Thay vào đó, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. 

Tuy nhiên, dấu hiệu đầu tiên của trầm cảm có thể nhận thấy đó là trẻ mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, trẻ có thể rối loạn về việc ăn uống, kém tập trung, kết quả học tập giảm sút, buồn bã, ít giao tiếp, dễ cáu giận, nóng tính…

Khi phát hiện trẻ “bỗng dưng” có dấu hiệu mất ngủ hoặc có nhưng thay đổi nói trên kéo dài hơn 2 tuần mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý. Đặc biệt, nếu trong gia đình có anh chị hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ sẽ bị rất cao. Bố mẹ cần theo dõi sát sao để phát hiện, ngăn chặn bệnh lý này. Nếu thấy khó khăn, nên đưa con đến cơ sở y tế để các bác sĩ có chuyên môn đánh giá, thăm khám.

Theo các chuyên gia, bệnh trầm cảm không tự biến mất, nếu không điều trị. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Do đó, việc điều trị cần tuân thủ đúng chỉ định, thời gian của bác sĩ và các nhà tâm lý, đừng thấy dấu hiệu đỡ mà ngừng điều trị bởi bệnh có thể tái phát dẫn đến lần điều trị sau khó khăn hơn.

Các dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ vị thành niên

- Trẻ cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng; hoặc giận dữ, cáu kỉnh, thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ.

- Biểu hiện mệt mỏi: Mất hứng thú hoặc niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đây

- Trẻ suy nghĩ bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng

- Trẻ hay lo lắng, dễ kích động hoặc bồn chồn

- Trẻ giảm tự tin, đánh giá thấp về bản thân, có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội.

- Trẻ khó suy nghĩ, suy nghĩ chậm chạp; khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ.

- Trẻ rối loạn giấc ngủ: Không thể ngủ, hoặc ngược lại ngủ quá nhiều;

- Bất thường ăn uống: Ăn quá nhiều hoặc không muốn ăn;

- Trẻ có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử

- Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu, đau bụng…