*Lược dịch từ bài viết của Sen Nguyen - phóng viên trang SCMP
Bà Le Thi Lai đứng bất động hồi lâu ngắm nhìn ngôi nhà đã bị tốc mái, trong khi các con thì chạy chơi bên trong. Ngôi nhà mới xây của vợ chồng người phụ nữ 51 tuổi chỉ trụ vững được 1 tuần trước khi gió bão khiến mái lợp bay mất, để mọi thứ lộ ra dưới bầu trời đang cuồng loạn.
"Chúng tôi chỉ mới dọn nhà xong. Giờ lại thêm một cơn bão nữa. Bão chồng bão, lũ chồng lũ. Tôi đã mất cả tấn gạo và 70 con gà," - bà Lai chia sẻ, trầm ngâm đứng nhìn hàng hecta lúa gạo ngập trong dòng nước lũ.
Những cánh đồng lúa giờ ngập nước tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh SCMP)
Cơn bão Molave đã vào đến Việt Nam hôm 28/10, khiến ít nhất 2 người tử vong và nhấn chìm 2 thuyền đánh cá. Các chuyên gia lo sợ đây có thể là trận bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Một người đàn ông đã bị thổi bay và tử vong khi đang gia cố mái nhà ở Quảng Ngãi, dưới sức gió lên tới 150km/h. Nạn nhân còn lại ở Phú Yên, bị cây đổ vào người.
Dù đã sinh sống tại "cái rốn bão lũ" là tỉnh Thừa Thiên Huế suốt nhiều thập kỷ, bà Lai cho biết mình chưa từng chứng kiến mùa bão nào kinh khủng đến vậy. Chỉ riêng trong tháng 10, Việt Nam phải hứng chịu 4 trận bão, kèm áp thấp nhiệt đới và lũ lụt diện rộng, khiến ít nhất 130 người tử vong và nhiều trường hợp mất tích.
Mái nhà bị thổi bay vì sức gió quá mạnh
Hơn 310.000 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc tàn phá bởi lũ lụt - theo số liệu của tổ chức Chữ Thập Đỏ. 1,3 triệu người phải sơ tán khỏi những khu vực nguy hiểm. Nhiều tỉnh thành, trường học phải đóng cửa, người dân được khuyên không ra ngoài.
Trận bão Molave được so sánh với bão Damrey vào năm 2017 - cơn cuồng phong đã giết chết 123 người và gây thiệt hại lên tới hàng tỉ USD. Molave trước khi tới Việt Nam đã đánh thẳng vào Philippines, khiến 9 người chết và để lại cảnh tượng hoang tàn sau khi đi qua.
Quốc gia kiên cường, lá lành đùm lá rách
Thảm họa xảy ra, toàn quốc thể hiện lòng nhân ái. Từ người nổi tiếng, nhà hảo tâm cho đến các tổ chức quốc tế đã gửi tiền bạc, thực phẩm, thuốc men và quần áo quyên góp về vùng lũ. Trên Facebook - mạng xã hội đang có 60 triệu người Việt sử dụng - ngập tràn những chia sẻ thể hiện sự đồng cảm với miền Trung Việt Nam.
Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên đi cứu trợ tại vùng lũ
Nguyen The Anh (33 tuổi), nhân viên kinh doanh tại một công ty xuất nhập khẩu ở TP. HCM cho biết mình đã gom quần áo cũ đã qua sử dụng và gửi về quê anh là Quảng Bình - một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ bão lũ.
"Quần áo của mọi người hoặc đã ướt hết, hoặc đã bị nước lũ cuốn trôi," - Thế Anh cho biết. "Gia đình tôi từng phải sang nhà hàng xóm hoặc trú ở nơi nào đó mỗi khi bão về. Sau đó chúng tôi làm việc, tiết kiệm để xây nhà mới ở vùng cao hơn vào khoảng 3 năm trước, nên giờ tình hình đã khá hơn."
Bão và lũ lụt là những nguy cơ thường niên xảy ra với người Việt Nam - khoảng 5 đến 6 trận bão cùng 3 đợt áp thấp nhiệt đới mỗi năm. Dù nhận được sự tương trợ của cả nước, nhưng theo nhà địa lý Marc Goichot - giám đốc khu vực sông Mekong của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), việc giải quyết hậu quả sau lũ không phải là giải pháp triệt để cho câu chuyện này.
"Miền Trung Việt Nam nằm trong số những nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi có thảm họa về nước và khí hậu. Chính phủ cần quan tâm đến các vấn đề trước khi thảm họa xảy ra," - ông nhận định. Ngoài ra, ông cho rằng việc xâm hại rừng đầu nguồn để xây dựng đường sá có thể khiến tình hình lũ lụt trở nên tồi tệ hơn.
Tran Thi Be (52 tuổi) không hề muốn rời khỏi ngôi nhà của mình tại Cố đô Huế. Chồng bà bị tật ở chân sau một vụ tai nạn từ 4 năm trước, khiến bà trở thành lao động chính trong gia đình.
Vợ chồng bà Tran Thi Be (Ảnh: SCMP)
Hiện tại, ngôi nhà của vợ chồng bà Be vẫn đang ngập trong nước, nước lũ dâng lên tận giường, nhấn chìm cả chiếc TV - tài sản đắt giá nhất mà họ sở hữu. Mái lợp nhà cũng đã bị gió thổi bay, khiến họ phải treo bạt nhựa trên giường để tránh nước mưa.
"Đây là quê hương tôi. Chỉ mong rằng tôi sẽ tiết kiệm đủ tiền để sửa lại nhà."