Những thay đổi trong xu hướng chọn nghề của người trẻ
Bà Cruzvergara là người điều hành các trung tâm dịch vụ nghề nghiệp của trường Đại học George Mason và sau đó là Đại học Wellesley - một nơi có văn hóa cạnh tranh được phản ánh thông qua cách sinh viên tiếp cận và tìm kiếm việc làm. Bà cho hay ngày trước, khi được hỏi tại sao lại lựa chọn công việc hiện tại, đa phần sinh viên sẽ nói: "Đây là công việc mơ ước của em".
Giờ đây, với tư cách là người đứng đầu chiến lược giáo dục của Handshake - một nền tảng mạng phục vụ hơn 10 triệu sinh viên đại học, bà Cruzvergara cảm nhận có đôi chút thay đổi trong quan điểm tìm kiếm việc làm của các bạn sinh viên so với trước đây. Theo đó, Handshake đã khảo sát khoảng 1.400 sinh viên mới tốt nghiệp đại học và sinh viên năm cuối để hỏi về ưu tiên tìm kiếm việc làm hàng đầu của họ: 73% cho biết đó chính là sự ổn định. Trong khi đó, chưa đến một nửa cho biết ưu tiên là tìm kiếm việc làm là vì danh tiếng của công ty.
Giả sử nếu trong quá khứ, sự ổn định là điều mà những người lao động trẻ theo đuổi thì thị trường việc làm chắc hẳn sẽ phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp nằm ở mức độ thấp gần 5 thập kỷ. Có nhiều cơ hội việc làm hơn so với trước khi xảy ra đại dịch và tỷ lệ sa thải nhân viên trên toàn nền kinh tế cực thấp. Các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 263.000 việc làm...
Nhưng sự thật không như là mơ, bởi đối với gần 2/3 thanh niên Mỹ chưa tốt nghiệp đại học, tình trạng bấp bênh trong công việc càng trầm trọng hơn do lạm phát (ở mức cao nhất trong 40 năm qua). Còn đối với một nhóm rất nhỏ đã tốt nghiệp đại học và có kế hoạch tìm kiếm những công việc được trả lương cao, đầy đặc quyền, chẳng hạn như công việc trong lĩnh vực công nghệ, họ lại cảm thấy lo lắng khi chứng kiến làn sóng sa thải nhân sự hàng loạt của các công ty.
Tất cả sự lạc quan trong việc tìm kiếm công việc trong mơ trước kia của những người trẻ đã bị sụp đổ. Theo ZipRecruiter, niềm tin của người tìm việc đã giảm rất nhiều bắt đầu từ tháng 10/2022. Gần một nửa số sinh viên năm cuối đại học cho biết họ mở rộng tìm kiếm việc làm vì lo lắng về sự bất ổn kinh tế.
"Tìm việc gì cũng được, miễn là kiếm ra tiền"
Giana Gaitan-Naranjo, 21 tuổi, sinh viên năm cuối tại Đại học Bang San Francisco, cho biết: "Gần đây, với ảnh hưởng của làn sóng sa thải, nhiều công ty đã cho hàng loạt nhân sự nghỉ việc. Tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi và hiện tại, tôi đang cố gắng tìm kiếm một công việc mà bản thân cho là ổn định hơn so với thị trường lao động".
Được biết, cô đã ứng tuyển vào hầu hết các công việc thiết kế mà bản thân có thể tìm được với mức lương hơn 19 đô la/giờ (khoảng 500k đồng). Một ngày của cô cứ quần quật với những tiết học dày đặc ở trường và 20 giờ làm việc. Chia sẻ về lý do quyết định như vậy, Gaitan-Naranjo nói cô không muốn phụ thuộc vào gia đình.
Trong các cuộc trò chuyện, nhiều sinh viên cho biết sau khoảng thời gian đầy biến động, giờ đây họ cảm thấy không còn động lực, hứng thú để tìm kiếm các công việc mà bản thân mơ ước. Thay vào đó họ tập trung tìm kiếm những công việc an toàn, ổn định hơn. Ngoài ra, không ít người lao động chỉ ứng tuyển khi trong bản mô tả công việc có đề cập rõ về chế độ lương thưởng, bởi như vậy sẽ khiến họ yên tâm hơn khi có thể nuôi sống bản thân trước biến động của nền kinh tế.
Tiffany Dyba - một nhà tuyển dụng ở thành phố New York, chia sẻ: "Trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng gần đây, ứng viên thường hỏi tôi với hàng loạt câu hỏi sau: 'Công việc này có thể làm từ xa không?’; 'Chế độ phúc lợi như thế nào?'... Có thể nói, các sinh viên không tìm kiếm công việc theo mơ ước ở thời điểm hiện tại nữa".
Công việc đầu tiên mà một người đảm nhận là rất quan trọng. Bởi lẽ, theo nghiên cứu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, 10 năm làm việc đầu tiên của một người lao động thường định hình tiềm năng kiếm tiền cả đời của họ, với phần lớn tăng trưởng thu nhập diễn ra từ rất sớm.
Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát năm nay với khoảng 20.000 công nhân từ Bain & Company, 61% những người dưới 35 tuổi cho biết họ lo lắng về vấn đề tài chính, an ninh công việc và khả năng đạt được các mục tiêu nghề nghiệp, so với 40% ở những người từ 35 tuổi trở lên. Và một số trong số những người trẻ tuổi đó đang phải vật lộn để cân bằng giữa đam mê và sự ổn định.
Jeffrey Arnett - một nhà tâm lý học phát triển, người đã đặt ra thuật ngữ "tuổi trưởng thành mới nổi", cho biết: "Đã có rất nhiều sự gián đoạn đáng chú ý trong quá trình trưởng thành của một người. Lưu ý rằng độ tuổi 20 là độ tuổi nhạy cảm. Bất cứ lúc nào cũng khó có thể tham gia vào thị trường việc làm nếu không có sự chuẩn bị tốt".
Căng thẳng do đại dịch đang thúc đẩy một số người trẻ mở rộng tìm kiếm việc làm của họ ra khỏi lĩnh vực mà bản thân thực sự đam mê. Đó cũng chính là câu chuyện của Laura Yin - người đã tốt nghiệp Đại học Wisconsin năm 2020 với tư cách kỹ sư cơ khí. Trước kia, ước mơ của Laura Yin sau khi ra trường là tìm kiếm công việc ở những công ty danh tiếng, nhưng hiện nay cô đã ít kén chọn hơn, thậm chí còn giảm cả kỳ vọng mức lương của bản thân.
"Tôi không biết liệu tôi có thực sự muốn làm việc cho một nhà máy xử lý nước thải hay không. Nhưng tôi chọn nó vì ở đó đang có một cơ hội việc làm tốt", cô nói.
Handshake báo cáo rằng hơn 1/3 số sinh viên tốt nghiệp vào năm 2023 sẵn sàng tham gia vào những ngành nghề mà họ chưa từng nghĩ bản thân sẽ làm trước đây. Hơn nữa, 1/5 sinh viên đã bắt đầu tìm việc từ khá sớm. Bị mắc kẹt giữa công việc đam mê và sự ổn định, nhiều người đang vật lộn với những kỳ vọng việc làm của bản thân trong những năm tới.
Shasparay Irvin (25 tuổi) - người đã chứng kiến ảnh hưởng của đại dịch của Covid-19 trong học kỳ cuối tại Đại học Wisconsin. Định hướng việc làm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nên sau khi tốt nghiệp cô đã nhận dạy hát online cho một vài học sinh tiểu học. Nhưng sau đó, cô ấy đã bỏ việc vì cảm thấy thất vọng. Irvin hiện đang theo học chương trình thạc sĩ kéo dài một năm.
"Tôi tốt nghiệp vào thời điểm dịch bệnh tồi tệ nhất. Bây giờ tôi đang vô cùng hoang mang vì không biết phải làm gì", Irvin chia sẻ.
Theo The NewYork Times