Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa

Theo Thông báo của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ngày 30/09/2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam dừng đón, phục vụ khách tham quan tại địa chỉ 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội..

Từ ngày 1/11/2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024. Bảo tàng có địa chỉ mới tại Km 6+500 Đại Lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Bảo tàng quân sự 'khủng' nhất Việt Nam mở cửa miễn phí từ sáng nay: 150.000 hiện vật, 4 bảo vật quốc gia  - Ảnh 1.

Ảnh: Phong Sơn

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2 ,với thiết kế hiện đại, nhiều công năng. Kiến trúc bảo tàng không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý. Bên cạnh đó, bảo tàng áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới, kết hợp với các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và hơn 60 video clip giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới.

Bảo tàng quân sự 'khủng' nhất Việt Nam mở cửa miễn phí từ sáng nay: 150.000 hiện vật, 4 bảo vật quốc gia  - Ảnh 2.

Ảnh: Phong Sơn

Diện mạo mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gồm: Khu nhà bảo tàng nổi bật với sân trước và tòa tháp Chiến thắng cao 45m, cùng với đó là khối nhà bảo tàng gồm 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 23.198m2. Tổng diện tích sàn tòa nhà chính rộng 64.640m2, tổng chiều cao 35,8m.

Không gian trưng bày bên trong bảo tàng tại tầng 1 được chia làm 6 chủ đề:Chủ đề 1: “Buổi đầu dựng nước và giữ nước”; Chủ đề 2: “Bảo vệ nền độc lập từ năm 939 đến năm 1858”; Chủ đề 3: “Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc năm 1858 đến năm 1945”; Chủ đề 4: “Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1945 - 1954”; Chủ đề 5: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954 đến 1975”; Chủ đề 6: “Xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1976 đến ngày nay”.

Người dân háo hức chờ đón Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khai trương

Ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được công bố, rất nhiều người dân đã ngỡ ngàng trước quy mô "siêu khủng" của nơi này. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người bày tỏ mong chờ được chiêm ngưỡng tận mắt 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia tại bảo tàng vào ngày 1/11.

Là một cán bộ quân đội nghỉ hưu, ông Phạm Đức Thái (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: "Hôm nay, bảo tàng lịch sử quân sự lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam sẽ chính thức mở cửa. Đối với tôi - một cựu chiến binh, đây là một sự kiện trọng đại. 

Bảo tàng quân sự 'khủng' nhất Việt Nam mở cửa miễn phí từ sáng nay: 150.000 hiện vật, 4 bảo vật quốc gia  - Ảnh 3.

Ảnh: Phong Sơn

Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ kỷ niệm, mà còn là cầu nối đưa câu chuyện của chúng tôi đến với thế hệ trẻ. Mai đây, khi những người trẻ đứng trước những hiện vật, tôi hy vọng họ có thể cảm nhận được phần nào tình yêu đất nước và tinh thần hy sinh của những người lính. Để họ hiểu rằng độc lập và hòa bình là những giá trị vô giá, được giữ gìn bằng cả máu và nước mắt của thế hệ đi trước".

Trong tâm trạng háo hức chờ đợi được khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới vô cùng hoành tráng và hiện đại, anh Hồ Minh Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi chắc chắn sẽ bố trí thời gian đến tham quan công trình ấn tượng này sớm nhất, để được tận mắt nhìn thấy những hiện vật lịch sử đại diện cho cả một thời kỳ oai hùng của đất nước.

Bảo tàng quân sự 'khủng' nhất Việt Nam mở cửa miễn phí từ sáng nay: 150.000 hiện vật, 4 bảo vật quốc gia  - Ảnh 4.

Ảnh: Phong Sơn

Hơn cả một chuyến tham quan, tôi xem đây như một dịp để hiểu thêm về đất nước, về những giá trị mà thế hệ đi trước đã giữ gìn và truyền lại. Tôi mong rằng, khi đứng trước những hiện vật ấy, mình sẽ cảm nhận được tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc của thế hệ cha anh. Để từ đó, tôi có thể thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với tương lai của đất nước".

Trong khi đó, em Nguyễn Huyền My (Đông Anh, Hà Nội) thì cho biết em rất mong chờ được chiêm ngưỡng 4 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. My cho hay: "Là một genZ, em chỉ được nghe về những bảo vật quốc gia qua sách vở, qua lời kể của thầy cô. Nhờ có Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, em có cơ hội được chứng kiến 4 bảo vật quốc gia ở cự ly gần.

Sự hiện đại, quy mô của bảo tàng là cầu nối giúp thế hệ trẻ chúng em dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Em sẽ rủ thêm bạn bè cùng đi tham quan công trình lịch sử này để cùng lan tỏa tình yêu đất nước".