Bảo vệ bé yêu trước tình hình thời tiết thất thường

Nhã Đan,
Chia sẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai), những ngày vừa qua, bệnh nhi nhập viện tăng 1,5 lần so với ngày thường.

Buồn lòng vì “cứ hơi tí là con nhập viện”

Đó là nỗi lòng của chị Mến (Lào Cai). Nhìn bé Mi – cô con gái loắt choắt của chị không ai nghĩ bé đã 4 tuổi. “Ai cũng bảo cháu nó chỉ 2 tuổi vì cháu quá còi, ăn bao nhiêu chẳng biết đi đâu hết”, chị than thở. 

Thực ra bé Mi ăn không ít, mỗi ngày bé uống cũng được hơn 500ml sữa, 3 bát cơm thịt. Thế nhưng cứ beo béo lên được một chút gì bé lại bị tụt cân đáng kể mỗi khi trời chuyển mùa. 

Chị ví con mình cứ như máy dự báo thời tiết: "Nhìn nó hắt hơi, sổ mũi, sốt, cảm cúm là y như rằng mai thời tiết thất thường". 

Cũng phải nhập viện do thời tiết chuyển mùa, cậu bé Duy Anh 2 tuổi khóc lóc mếu máo kèm theo từng cơn ho rũ rượi, thở khò khè, sốt đùng đùng đến mệt lử tại khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai. 

Bảo vệ bé yêu trước tình hình thời tiết thất thường 1
Thực ra bé Mi ăn không ít, mỗi ngày bé uống cũng được hơn 500ml sữa, 3 bát cơm thịt. Thế nhưng cứ beo béo lên được một chút gì bé lại bị tụt cân đáng kể mỗi khi trời chuyển mùa (Ảnh: Chí Toàn)

Chị Ngọc, mẹ của bé chia sẻ: “Cứ khi nào thời tiết chuyển mùa, sáng nắng, đêm lạnh, con mình lại vã mồ hôi ra như tắm, lau không trở tay”.

Mấy ngày trước, thấy con bị ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, sốt, chị cho bé uống thuốc chống cảm cúm thế nhưng bệnh không đỡ mà có nguy cơ nặng hơn. 

Sốt ruột, chị đưa con đến bệnh viện, tại đây chị mới ngã ngửa ra khi bé bị viêm phổi cấp và phải nhập viện ngay. 

Theo ghi nhận của PV, tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, như bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viện Xanh Pôn, bệnh viện Bạch Mai... số lượng bệnh nhân nhi tới khám và điều trị liên quan đến các bệnh hô hấp tăng lên theo ngày. 

Phòng tốt hơn chữa

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai), những ngày vừa qua, bệnh nhi mà bệnh viện tiếp nhận tăng đột biến 1,5 lần so với ngày thường. Các bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa bao gồm bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phế quản, hen suyễn, tiêu chảy...

Bác sĩ Dũng cho rằng với thời tiết thất thường như hiện nay, những bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa của trẻ có khả năng tăng cao và diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chính đó là do thời tiết lúc chuyển mùa thường lạnh về đêm, sáng nhưng lại nóng vào buổi trưa, nhiệt độ thất thường khiến bé (nhất là trẻ dưới 3 tuổi), sức đề kháng kém không kịp thích nghi. Thêm vào đó, nhiệt độ này thích hợp cho những loại virus, vi khuẩn phát triển, lây lan. 

Bảo vệ bé yêu trước tình hình thời tiết thất thường 2
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai), những ngày vừa qua, bệnh nhi nhập viện tăng 1,5 lần so với ngày thường (Ảnh: Nhã Đan)

Thậm chí có nhiều trường hợp bố mẹ ủ quá ấm cho con bằng lớp chăn, lớp áo dầy khi đi ngủ khiến mồ hôi thấm ngược vào trong gây viêm phổi... Trẻ bị lây bệnh từ môi trường xung quanh (nhà có người bị cảm cúm, bạn bè ở trường mẫu giáo)…

Việc ăn uống và bảo quản thức ăn không chuẩn, dẫn tới phát sinh bệnh lý tiêu hóa ở trẻ. 

Ở khoa Nhi viện Bạch Mai, bác sỹ thường gặp nhất ở trẻ trong thời tiết chuyển mùa là bệnh hô hấp và bệnh về tiêu hóa. Viêm đường hô hấp như: viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm thanh quản cấp, viêm phổi, viêm phế quản…

Bệnh về tiêu hóa như: Tiêu chảy cấp, ngộ độc thực ăn…

Bác sĩ khuyên bậc phụ huynh "phòng tốt hơn chữa", cha mẹ nên lưu ý khi mặc quần áo cho trẻ, bé cần được mặc thoáng mát, thay quần áo, lau mồ hôi kịp thời, tránh cảm lạnh. Cha mẹ nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong những ngày này, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật. Ví dụ: thực phẩm chứa nhiều protein, khoai tây, rau củ quả, hải sản…

Tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ thường xuyên hàng ngày, giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan.

Không để đồ ăn qua đêm, nên ăn hết trong ngày. Chị em tránh dùng lò vi sóng hâm nóng đồ ăn cho con bởi chưa chắc hâm nóng bằng lò vi sóng đã đủ kỹ. Cách tốt nhất là đun sôi đồ ăn trước khi sử dụng. 

Bác sĩ Dũng cũng đưa ra khuyến cáo cho các bậc phụ huynh: Khi phát hiện trẻ bị bệnh, trẻ sốt cao, trên 38,50C mà dùng thuốc hạ sốt không đỡ cộng với các triệu chứng như trẻ lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, buồn nôn, nôn khan nhiều lần.. nên sớm đưa con đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời, tuyệt đối không tự kê đơn cho con uống khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi cha mẹ tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa xác định được bệnh của trẻ, mặt khác việc cho uống không đúng liều lượng không những bệnh không khỏi mà còn dẫn tới kháng thuốc.

Tránh cho con trẻ tiếp xúc với những người bị ho cảm.



Việc sử dụng thực phẩm một cách khoa học cũng có tác dụng giúp phòng chống cảm cúm trong mùa lạnh cho trẻ nhỏ.
Bảo vệ bé yêu trước tình hình thời tiết thất thường 3
Chia sẻ