Gan là một cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng bao gồm đào thải độc tố, tổng hợp dinh dưỡng và sản xuất các chất cần thiết cho quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên hiện nay, bệnh gan đang là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà hàng triệu người trên toàn thế giới phải đối mặt.

Bệnh gan có thể phát triển dưới nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như do vi khuẩn, virus, uống nhiều bia rượu hay chế độ ăn không lành mạnh… Một số bệnh gan phổ biến có thể kể đến viêm gan virus, xơ gan, viêm gan mãn tính, gan nhiễm mỡ… thậm chí là ung thư gan.

Bắt bệnh qua dáng đi: Nếu xuất hiện bất thường này chứng tỏ gan đang suy yếu, cần thay đổi lối sống - Ảnh 1.

Bệnh gan là một trong những loại bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Chính vì vậy, việc nhận biết và phát hiện sớm dấu hiệu bệnh gan là cách tốt nhất để phòng bệnh, ngăn không cho bệnh tiến triển và phát sinh thêm bệnh khác. Ít ai biết rằng, dáng đi hàng ngày cũng có thể cảnh báo sớm những bất thường của gan.

Dáng đi có thể cảnh báo dấu hiệu bệnh gan

Theo Amit Javed – Giám đốc khoa Khoa học Phẫu thuật Nâng cao và Ung thư tại Bệnh viện CK Birla (Ấn Độ), những bất thường về dáng đi là những thay đổi trong cách đi lại hàng ngày, chẳng hạn như độ dài sải chân, tốc độ, tư thế khi đi bộ… Chúng do nhiều yếu tố gây ra, trong đó bao gồm các loại bệnh.

"Thay đổi dáng đi không phải là dấu hiệu cụ thể của bệnh gan, nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ gián tiếp. Nói cách khác, khi gan suy yếu thì cơ thể sẽ phát sinh những biến chứng khác nhau, rồi chính chúng mới là tác nhân khiến dáng đi trở nên bất thường" - ông Amit chia sẻ.

Bắt bệnh qua dáng đi: Nếu xuất hiện bất thường này chứng tỏ gan đang suy yếu, cần thay đổi lối sống - Ảnh 2.

Chúng ta có thể "bắt bệnh" thông qua dáng đi đứng.

Sau đây là những biến chứng có thể phát sinh khi gan suy yếu, khiến dáng đi trở nên bất thường:

- Đi chậm hơn hoặc đi nghiêng về một bên: Có thể liên quan bệnh cổ trướng (ascites)

Ascites là một tình trạng bệnh lý, xuất hiện khi có sự tích tụ lượng lớn chất lỏng trong khoang bụng. Chất lỏng này thường là dịch bụng, có màu trong suốt được sản xuất bởi màng mao mạch và màng bất hoạt trong khoang bụng. Triệu chứng của ascites bao gồm bụng to lên và căng ra, cảm giác đầy bụng, mệt mỏi, mất cân bằng điện giải, giảm chức năng thận và khó thở.

Ông Amit cho biết, bệnh cổ trướng xuất hiện khi bạn mắc xơ gan, viêm gan hoặc ung thư gan. Lúc này, áp lực trong ổ bụng sẽ tăng lên và gây đau đớn, khiến bạn vô thức thay đổi cách di chuyển để tránh bị đau. Chẳng hạn như đi chậm hơn hoặc đi nghiêng về một bên.

Bắt bệnh qua dáng đi: Nếu xuất hiện bất thường này chứng tỏ gan đang suy yếu, cần thay đổi lối sống - Ảnh 3.

Bệnh cổ trướng thường bắt nguồn từ bệnh xơ gan.

- Đi đứng xiêu vẹo, không thể đứng vững: Có thể do teo cơ

Khi bệnh gan mãn tính phát triển, các tế bào gan bình thường bị suy giảm và thay thế bằng mô sẹo, gây ra sự teo cơ và giảm chức năng của gan. Sự teo cơ khi mắc bệnh gan mãn tính có nguyên nhân từ việc viêm gan kéo dài và sự tổn thương liên tục của gan.

Cụ thể, khi gan viêm nhiễm hoặc mắc bệnh, các tế bào gan bị tổn thương sẽ tự phục hồi bằng cách sản xuất mô sẹo để thay thế. Tuy nhiên nếu quá trình viêm gan kéo dài, quá trình tái cấu trúc mô sẹo sẽ mất cân bằng, vượt qua khả năng phục hồi của gan. Điều này dẫn đến sự tích tụ và gia tăng mô sẹo trong gan. Đến một thời điểm nào đó, các mô sẹo sẽ làm vô hiệu hóa chức năng của gan.

Khi gan bị tổn thương quá nặng sẽ khiến các cơ bị teo dần đi, trong đó có các cơ ở chân. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của người bệnh, chẳng hạn như đi đứng xiêu vẹo, không thể đứng vững hay đi lại bình thường như lúc trước…

Bắt bệnh qua dáng đi: Nếu xuất hiện bất thường này chứng tỏ gan đang suy yếu, cần thay đổi lối sống - Ảnh 4.

Teo cơ sẽ khiến chân không còn linh hoạt, dẫn đến việc ảnh hưởng tới khả năng di chuyển.

- Không thể đi đứng thoải mái như bình thường: Có thể do mệt mỏi, suy nhược cơ thể

Mệt mỏi và suy nhược là những triệu chứng phổ biến của bệnh gan mãn tính. Khi gan bị tổn thương và chức năng gan giảm, cơ thể không thể chuyển đổi dinh dưỡng thành năng lượng, từ đó dẫn đến thiếu hụt năng lượng cho các hoạt động hàng ngày, gây ra mệt mỏi và suy nhược liên tục.

Đương nhiên khi cơ thể mệt mỏi và suy nhược, chúng ta không thể nào đi đứng thoải mái và khỏe mạnh như bình thường được. Bên cạnh đó, chức năng gan suy giảm cũng làm cho độc tố trong người không thể đào thải ra ngoài, từ đó ảnh hưởng tới hệ thần kinh và sức khỏe tổng thể.

Bắt bệnh qua dáng đi: Nếu xuất hiện bất thường này chứng tỏ gan đang suy yếu, cần thay đổi lối sống - Ảnh 5.

Mệt mỏi, suy nhược có thể do chức năng gan đang bị suy yếu.

Những thói quen chăm sóc gan cần lưu ý

Việc chăm sóc và tăng cường chức năng gan là vấn đề vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe tổng thể. Dưới đây là một số thói quen chăm sóc gan mà bạn có thể áp dụng:

- Hạn chế uống bia rượu: Các loại thức uống chứa cồn như bia rượu là một tác nhân gây hại cho gan. Bạn hãy hạn chế uống bia rượu để bảo vệ gan khỏi tổn thương và viêm nhiễm.

- Duy trì một chế độ ăn lành mạnh: Chế độ ăn giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh có thể giúp bảo vệ gan. Hãy tăng cường tiêu thụ rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu omega3 và chất chống oxy hóa…

- Đảm bảo cân nặng và kiểm soát lượng mỡ trong cơ thể: Béo phì có thể gây tổn thương gan và bệnh xơ gan. Để chăm sóc gan, hãy duy trì cân nặng lành mạnh và kiểm soát lượng mỡ trong cơ thể bằng cách tập thể dục đều đặn và có một chế độ ăn cân đối.

- Uống đủ nước: Uống đủ nước là cách đơn giản nhưng quan trọng để giúp gan hoạt động tốt. Nước giúp loại bỏ chất độc khỏi cơ thể và duy trì sự cân bằng nước cần thiết cho chức năng gan.

- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục có lợi cho gan bằng cách giúp cơ thể giảm cân, kiểm soát đường huyết và tăng cường chức năng gan. Nên chọn các loại hình vận động như đi bộ, chạy, bơi, yoga… để duy trì một lối sống lành mạnh và bảo vệ gan.

Theo Indiatimes, Hopkinsmedicine