Người Trung Quốc xưa rất tin vào quan niệm “chết là sự sống ở thế giới bên kia” nên họ rất coi trọng văn hóa xây mộ.
Bất kể hoàng thân quốc thích, vương công quý tộc hay bách tính dân thường, họ sẽ bỏ ra rất nhiều tiền bạc công sức để xây dựng lăng mộ cho mình và chuẩn bị những đồ vật trân quý chôn cất cùng họ, với hy vọng sau khi chết có thể tận hưởng vinh quang phú quý ở thế giới bên kia.
Tuy nhiên, chính vì vậy mà trộm mộ, cướp mộ tung hoành ngang dọc ở thời bấy giờ.
Để ngăn chặn nạn cướp mộ, người xưa thiết kế nhiều cơ quan nguy hiểm, lựa chọn địa điểm bí mật… để không cho những tên trộm mộ xâm nhập. Ví dụ nổi tiếng nhất là lăng Tần Thủy Hoàng, nơi có nhiều cơ quan hiểm nguy, thậm chí còn được ghi chép bên trong chứa đầy thủy ngân cực độc, đến nay chuyên gia vẫn chưa thể khai quật.
Giống như những ngôi mộ của các pharaoh Ai Cập cổ đại, mộ cổ ở Trung Quốc cũng có những lời nguyền độc địa, mặc dù không thể chứng thực bằng khoa học, nhưng nó khiến không ít người phải hoảng sợ tột cùng. Một trong những tác dụng của lời nguyền mộ cổ là cảnh báo băng trộm mộ không được bén mảng vào, nếu không hậu quả khôn lường.
Năm 1957, tại công trường Lương Gia Trang ở ngoại ô Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc), một phát hiện gây sốc đã khiến dư luận, đặc biệt là giới khảo cổ, đổ dồn sự chú ý vào ngôi làng nhỏ bé này.
Công nhân lúc đó đang cầm xẻng xúc đất, tiếng máy móc gầm rú và bụi bay mù mịt. Đột nhiên, một công nhân dừng công việc đang làm vì chiếc xẻng dường như va phải một vật cứng. Phủi đi lớp đất đá bên trên, một phiến đá xanh dần lộ ra.
Những hoa văn tinh xảo được chạm khắc trên đá xanh ấn tượng đến mức khiến công nhân nhận ra ngay đây không phải là đá bình thường, lập tức báo cáo cho người phụ trách công trường, tin tức sau đó đã đến tai chính quyền thành phố Tây An.
Chính quyền thành phố đã nhanh chóng cử một đội khảo cổ đến địa điểm này. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng, các chuyên gia kết luận rằng đây là một ngôi mộ cổ từ thời nhà Tùy (581-619). Mặc dù quy mô của ngôi mộ không lớn nhưng cấu trúc của nó rất độc đáo, khác hẳn với những ngôi mộ truyền thống thời nhà Tùy.
Khi cuộc khai quật tiến triển, một chiếc quan tài được chạm khắc tuyệt đẹp xuất hiện trước mặt các chuyên gia. Quan tài khắc hình thanh long và chu tước (hai trong Tứ tượng của Thiên văn học Trung Quốc và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương, và triết học phương Đông). Ngoài ra, bên trên còn có hình họa thị nữ (người hầu) cùng với họa tiết hoa sen tinh xảo. Những đường nét, hoa văn này đều thể hiện địa vị cao quý của chủ nhân ngôi mộ.
Ngay khi các chuyên gia chuẩn bị mở nắp quan tài và khám phá sâu hơn về danh tính chủ nhân ngôi mộ, họ bất ngờ phát hiện trên nắp quan tài có khắc dòng chữ: “Ai mở quan tài sẽ chết”. Đây được xem như một lời nguyền cổ xưa dùng để răn đe những kẻ trộm mộ.
Tuy nhiên, lời nguyền này không có tác dụng đối với những chuyên gia khảo cổ hiện đại. Họ không hề bị lời nguyền chết chóc này đe dọa mà càng quyết tâm mở nắp quan tài.
Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, các chuyên gia bắt đầu cẩn thận mở nắp quan tài. Trong lòng họ tràn đầy mong đợi và căng thẳng nhưng đồng thời họ cũng biết mình có trách nhiệm nặng nề. Họ biết rằng mỗi một tác động nhỏ cũng có thể gây ra thiệt hại khôn lường cho ngôi mộ cổ quý giá này.
Nắp quan tài dần dần được mở ra, khung cảnh bên trong khiến người có mặt đều bàng hoàng. Nằm trong quan tài là một bé gái chỉ mới tám chín tuổi, trên người đeo vô số trang sức bằng vàng bạc, tỏa sáng rực rỡ, bên cạnh còn có một số đồ chơi trẻ em thời xưa.
Bắt mắt nhất trong số các vật bồi táng chính là chiếc phụng quan (mũ đội cao quý) bằng vàng và chiếc vòng cổ bằng vàng đá vẫn tỏa sáng dù đã trải qua hàng nghìn năm. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn ngọc bích, đồ gốm, vật phẩm thủy tinh và các vật bồi táng khác, với tổng số hơn 230 món. Qua đó có thể thấy, thân phận của bé gái nằm trong quan tài này không hề tầm thường
Theo văn bia dài 370 chữ, các chuyên gia cuối cùng đã giải mã bí ẩn về danh tính chủ nhân ngôi mộ. Đó là một cô bé đến từ triều đại nhà Tùy tên Lý Tịnh Huấn.
Lý Tịnh Huấn qua đời khi chỉ mới 9 tuổi, vừa là hậu duệ tông thất của triều đại Bắc Chu, vừa là công chúa của triều đại nhà Tùy. Tất cả những điều này đều bắt nguồn từ bà ngoại của cô, Dương Lệ Hoa.
Dương Lệ Hoa là hoàng hậu của Bắc Chu Tuyên đế Vũ Văn Uân, và cha bà, Tùy Văn đế Dương Kiên, đã tranh đoạt quyền lực của triều đại Bắc Chu. Mặc dù vậy, Dương Lệ Hoa vẫn rất yêu thương con gái Vũ Văn Nga Anh của mình, Dương Kiên cũng tràn đầy cảm giác tội lỗi và yêu thương cô cháu gái này.
Để cho Vũ Văn Nga Anh chỗ dựa dẫm tốt, Dương Lệ Hoa đã chọn Lý Mẫn, con trai của Lý Sùng, tổng giám U Châu (chức quan thời Tùy), làm con rể. Dương Kiên thậm chí còn đặc biệt phong cho Lý Mẫn trẻ tuổi danh hiệu Thượng trụ quốc và cho phép kết hôn với Vũ Văn Nga Anh theo nghi thức kết hôn với một công chúa. Sau đó, hai người đã sinh ra con gái Lý Tịnh Huấn.
Lý Tịnh Huấn mang trong mình dòng máu hoàng thất Bắc Chu và hoàng thất nhà Tùy, địa vị vô cùng đặc biệt.
Năm Đại Nghiệp thứ tư (năm 608), Tùy Dạng đế (con trai của Tùy Văn đế Dương Kiên) đi du ngoạn, Dương Lệ Hoa và cháu gái Lý Tịnh Huấn cũng có mặt trong chuyến đi. Lý Tịnh Huấn tuổi nhỏ sức yếu đã ngã bệnh và qua đời.
Dưới sự sắp đặt của người bà Dương Lệ Hoa, cháu gái Lý Tịnh Huấn được chôn cất như một công chúa nhà Tùy. Lời nguyền “Ai mở quan tài sẽ chết” cũng được Dương Lệ Hoa sai người khắc lên nhằm ngăn chặn những kẻ trộm mộ quấy rầy sự trong sạch và yên bình của cháu gái bà.
Ngôi mộ cổ này hiện đã trở thành văn vật quan trọng để khám phá lịch sử và văn hóa nhà Tùy, giúp hậu thế hiểu sâu hơn về bối cảnh xã hội, phong tục văn hóa và đời sống tông thất thời đại này.
Dưới đây là bộ trang sức mà Lý Tịnh Huấn mặc trên người khi được an táng trong lăng:
Nguồn: Sohu