Theo chương trình Giáo dục phổ thông mới được áp dụng cho bậc THPT từ năm học 2022-2023, thay vì 13 môn như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn, gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. Chương trình sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12.

Bảy môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Năm môn học được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn). Đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, học sinh THPT chỉ học 7 môn bắt buộc so với 13 môn như hiện tại, chi tiết cụ thể như sau - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, giải thích về các môn tự chọn: "Học sinh bắt buộc phải lựa chọn 5 trong 3 nhóm môn học nghĩa là sẽ có nhóm môn HS chọn tới 2 - 3 môn tùy theo năng lực, sở thích của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo nhóm môn thuộc các lĩnh vực khác nhau đều có HS lựa chọn, chương trình quy định mỗi nhóm HS phải chọn tối thiểu 1 môn chứ không thể chọn 5 môn trong 2 nhóm còn 1 nhóm không có môn nào được chọn".

Có không ít ý kiến cho rằng cải cách này có thể sẽ giảm tải chương trình học nặng như hiện tại và khuyến khích chú trọng vào các môn hoặc lĩnh vực mà học sinh yêu thích. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng vì các khối chuyên ngành vào đại học có các môn tự chọn như Sinh, Hoá và Lý nếu áp dụng cải cách này có thể sẽ có ít tiết học hơn, ít thời gian thực hành và gây khó khăn trong việc học lẫn dạy của cả giáo viên và học sinh.

Theo thiết kế chương trình mới, cấp THPT là cấp học định hướng nghề nghiệp, phân hóa sâu. Tuy nhiên, với việc HS phải học tới 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc được một số chuyên gia đánh giá là vẫn còn nhiều so với chương trình của các nước, khi chỉ bắt buộc HS học tối đa 5 môn, còn lại được lựa chọn hoàn toàn.

Trước mối lo của giả thuyết học sinh học dồn ở một số môn được yêu thích và quay lưng với các môn khó học, ít được lựa chọn xét tuyển vào đại học… GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Học sinh được lựa chọn môn học là điều cần thiết, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đã cho phép. Việc giáo viên dạy ít hay nhiều, cái đó đã có nhà trường sắp xếp, bố trí. Giả sử, một giáo viên có thể dạy lớp ít học sinh, cái đó cũng là bình thường, bởi ngay cả nước ngoài, như bên Pháp chẳng hạn, cũng có nhiều ngôi trường chỉ dạy rất ít học sinh, nhưng họ vẫn làm tốt và đảm bảo chất lượng giáo dục".

Bên cạnh việc cho phép học sinh lựa chọn môn học, lần đầu tiên chương trình mới chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Đồng nghĩa với việc, các trường có thể sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt; đặc biệt là cấp THPT (có nhiều môn tự chọn), các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Ở một số môn học, có thể bố trí học liền mạch để kết thúc sớm…