Bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với các bệnh viêm nhiễm khác.
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết chẩn đoán viêm não Nhật Bản không khó, triệu chứng của bệnh rất ít khi nhầm sang bệnh khác. Trẻ lớn có dấu hiệu sốt, nôn, đau đầu, khác với sốt, nôn do nhiễm virus khác.
Trước đây, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 300-500 ca viêm não nói chung, trong đó 1/5 là viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên những năm gần đây nhờ tiêm phòng, tỉ lệ viêm não Nhật Bản giảm nhiều, mỗi năm khoảng 250-300 ca viêm não.
Từ đầu năm đến nay, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 99 ca viêm não nhập viện, trong đó có 15 ca viêm não do herpes, 2 ca viêm não Nhật Bản…
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm não Nhật Bản
Theo TS Nguyễn Văn Lâm nếu là sốt do viêm não, trẻ thường sốt rất cao, kèm theo đau đầu nhiều, thường nôn vọt, nôn không liên quan đến bữa ăn.
Bên cạnh đó, khác với sốt, nôn, đau đầu do bệnh khác là trẻ mắc viêm não Nhật Bản bao giờ cũng kèm theo loạn ý thức với nhiều mức độ: ngủ gà, lơ mơ, li bì, thậm chí hôn mê. Tùy mức độ rối loạn ý thức của bệnh nhân mà thể hiện bệnh nặng hay nhẹ. Đặc biệt với những trẻ có thêm biểu hiện co giật, liệt khu trú thì thường để lại di chứng nặng nề hơn. Viêm não Nhật Bản thường diễn biến cấp tính, ngày thứ nhất, thứ hai triệu chứng đã rõ nên ít khi nhầm. Dù vậy, bệnh có thể nhầm ở trẻ nhỏ nhưng là nhầm trong các bệnh nhiễm trùng thần kinh với nhau, ít khi bỏ sót không chẩn đoán.
Trong các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ viêm não xác định được căn nguyên Khoảng 25-40% các trường hợp mắc viêm não để lại di chứng. Trong đó, viêm não Nhật Bản và do herpes để lại di chứng rất nặng nề. Theo TS Lâm, rất may là viêm não do herpes có thuốc kháng virus điều trị hiệu quả, trẻ đến viện sớm điều trị kịp thời thì hồi phục tốt, hạn chế tối đa biến chứng.
Các bác sĩ khuyến cáo hiện giờ mới bắt đầu vào mùa viêm não Nhật Bản. Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có vắc-xin phòng bệnh. Quan trọng nhất là phòng ngừa bằng vắc-xin. Trẻ cần tiêm đủ 3 mũi, sau 3-5 năm tiêm nhắc lại cho đến năm 15 tuổi. Điều này gần như bảo vệ trẻ không mắc viêm não Nhật Bản.
Cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Ngủ màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối để đề phòng muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.