Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội vừa tạm giữ bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (bất động sản Nhật Nam) vì có hành vi đưa thông tin sai sự thật về Công ty Nhật Nam có nhiều bất động sản, dự án đầu tư, có lợi nhuận cao để huy động vốn của nhiều cá nhân, rồi sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho các cá nhân trên. Từ đó, bà Thúy chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Bất động sản Nhật Nam hoạt động thế nào trước khi CEO Vũ Thị Thúy bị bắt? - Ảnh 1.

CEO Công ty bất động sản Nhật Nam Bà Vũ Thị Thúy bị công an tạm giữ. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Tài sản lớn, hệ sinh thái "khủng"?

Công ty bất động sản Nhật Nam (tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ bất động sản Nhật Nam) được thành lập năm 2019, có trụ sở chính tại TP.HCM.

Theo giới thiệu của công ty này, ngoài trụ sở chính, doanh nghiệp còn có 12 chi nhánh trên cả nước và đang sở hữu quỹ đất rộng lớn nằm tại những vị trí đắc địa ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Thanh Hóa, Buôn Mê Thuột, Phú Quốc…

Các lĩnh vực ngành nghề đăng ký kinh doanh của Nhật Nam gồm: trồng rừng; khai thác gỗ; khai thác, nuôi trồng lâm - thủy sản; xây dựng nhà ở; giáo dục nhà trẻ; cho thuê xe có động cơ…Tuy nhiên, ngành nghề chính vẫn là kinh doanh bất động sản.

Cuối năm 2022, CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam được thành lập tại Hà Nội. Năm 2023, CTCP Sông Đà Invest được thành lập và có trụ sở chính ở TP.HCM. Cả hai doanh nghiệp này đều do bà Vũ Thị Thúy làm Chủ tịch HĐQT.

Cũng năm 2022, bà Thúy tham gia HĐQT CTCP Sông Đà 1.01 (SJC) với vai trò cổ đông lớn sở hữu 23,53% vốn. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường, bà Thúy được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện trước pháp luật của SJC.

Đầu tháng 7/2023, trong bản công bố thông tin, bà Vũ Thị Thúy là vợ của ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương), thành viên HĐQT CTCP Sông Đà 1.01 (SJC).

Đầu tháng 8/2023, các cổ đông liên quan đến bà Thúy đồng loạt đăng ký thoái vốn khỏi SJC. Trong đó, ca sĩ Khánh Phương đăng ký bán toàn bộ 908.576 cổ phiếu, tỷ lệ 13,1%.

Từ ngày 4-25/8, Nhật Nam đã bán 240.800 cổ phiếu SJC, qua đó không còn là cổ đông của Sông Đà 1.01.

Ngày 27/8 vừa qua, Sông Đà 1.01 thông báo hoãn họp đại hội cổ đông thường niên lần 2. Lý do, HĐQT yêu cầu bổ sung thêm nội dung kinh doanh. Công ty đang tiến hành xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động để HĐQT họp thống nhất. Thời gian cụ thể tổ chức đại hội chưa được công bố.

Theo tờ trình đại hội cổ đông thường niên 2023, Sông Đà 1.01 muốn xin ý kiến về việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của bà Vũ Thị Thúy. Lý do, theo Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch HĐQT của công ty đại chúng và công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần biểu quyết sẽ không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc hoặc tổng giám đốc.

Trên website của Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam (songdanhatnamgroup.vn) từng giới thiệu: "Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam được biết đến là công ty hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực với trọng tâm là hai lĩnh bất động sản và tài chính. Bên cạnh đó, Sông Đà Nhật Nam còn sở hữu một chuỗi hệ thống dịch vụ gồm: nhà hàng, khách sạn, spa, karaoke…

Hiện nay, công ty đang sở hữu rất nhiều bất động sản trải dài từ Bắc tới Nam, bao gồm: TP.HCM, Tây Ninh, Phú Quốc, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội... Các quỹ đất này đều nằm ở vị trí đắc địa đã giúp Sông Đà Nhật Nam triển khai được nhiều những chiến lược kinh doanh nổi bật và phù hợp hơn, từ đó đạt được nhiều thành tựu đáng nhớ.

Người đứng đầu và điều hành thời điểm hiện tại của công ty Sông Đà Nhật Nam là Chủ tịch Vũ Thị Thúy. Ngoài quỹ tài sản khổng lồ, chị Vũ Thị Thúy còn sở hữu hệ sinh thái riêng đa lĩnh vực với quy mô lớn. Nắm giữ thế mạnh về tiềm lực tài chính, vị nữ chủ tịch lại càng tự tin hơn trên thị trường bất động sản khi đóng vai trò là người đầu tàu của Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam".

Bất động sản Nhật Nam hoạt động thế nào trước khi CEO Vũ Thị Thúy bị bắt? - Ảnh 2.

Những lời giới thiệu "có cánh" về Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam và Vũ Thị Thúy. (Ảnh chụp màn hình)

Đồng loạt cảnh báo về bất động sản Nhật Nam

Trước khi CEO Vũ Thị Thúy bị tạm giữ, cơ quan công an, các địa phương cũng như nhiều cơ quan báo chí từng cảnh báo về Công ty Bất động sản Nhật Nam từ nhiều năm trước.

Từ năm 2019 - 2022, Công ty Nhật Nam đã đưa ra mức lợi nhuận từ 34 - 46%/năm, thậm chí còn khuyến mãi tặng thêm vàng, tặng thêm đất nếu ai bỏ tiền đầu tư, phân chia lợi nhuận theo ngày. Vì vậy, hàng chục nghìn người trên khắp cả nước ào ạt đầu tư làm giàu cùng Nhật Nam.

"Nếu đầu tư với Nhật Nam mất tiền tôi đền. Gửi tiền vào Nhật Nam tôi cam kết sẽ không bị mất", bà Vũ Thị Thúy khẳng định.

Tuy nhiên, ngay lập tức, những cảnh báo "nóng" về dấu hiệu bất thường của Công ty Nhật Nam đã được đưa ra.

Năm 2022, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an đã ra công văn cảnh báo: Công ty Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Đây chính là nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự xã hội sớm muộn sẽ bùng phát. Biểu hiện rõ nhất, sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản công ty mà sử dụng tài khoản các cá nhân như của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền. Đây là “chiêu” lách luật, trốn thuế và bộc lộ phần nào “bản chất” của trò chơi mạo hiểm.

Theo cơ quan chức năng, mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau). Đến một thời điểm nào đó Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Hàng loạt địa phương như UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Công an huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai)... cũng phát đi cảnh báo về hoạt động kêu gọi đầu tư của Công ty Bất động sản Nhật Nam.

Bất động sản Nhật Nam hoạt động thế nào trước khi CEO Vũ Thị Thúy bị bắt? - Ảnh 3.

Văn bản của UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu rà soát tình trạng hoạt động của Công ty Nhật Nam. (Ảnh: Báo Công Thương)

Vạn người "sập bẫy" lãi suất không tưởng

Gần đây, trên mạng xã hội lại “dậy sóng” về những thông tin liên quan đến Công ty Bất động sản Nhật Nam. Cụ thể, theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, vì tin vào những hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao 46%/năm, thậm chí tới 70% hay 80%/năm, trả lãi theo ngày của Công ty Nhật Nam, nhiều người đã phải “ngậm trái đắng”, nợ nần chồng chất.

Theo các chuyên gia, giữa bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn trong khoảng 3 năm trở lại đây, mức lãi suất này là "không tưởng", chỉ là chiêu bài của Nhật Nam để hút tiền của nhà đầu tư.

Ngoài mức lãi cao, Công ty Nhật Nam còn đưa ra nhiều chiêu trò khác để lấy niềm tin của các nhà đầu tư. Ví dụ cứ đầu tư 4 tỷ sẽ có một sổ cổ đông chiến lược, nhà đầu tư được lĩnh thêm 15 triệu đồng/tháng.

Hay ngoài tặng sổ cổ đông, Công ty Nhật Nam còn tặng cổ phiếu nội bộ cho các nhà đầu tư. Gói 100 triệu đồng được tặng 125 cổ phiếu. Gói 5 tỷ đồng tặng 10.000 cổ phiếu. Với giá 1 cổ phiếu do Nhật Nam quy định là 16.000 đồng và cam kết 10 tháng sau công ty sẽ mua lại với giá 20.000 đồng, thậm chí là 27.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư: "Họ hứa nhưng họ không mua".

Công ty Nhật Nam cũng không tiếc tiền để chi cho việc phát triển hệ thống môi giới theo mô hình kim tự tháp, tương tự phương thức đa cấp. Cứ 5 môi giới phát triển ra được 10 môi giới, mời chào được doanh số trên 10 tỷ đồng thì hưởng 7% hoa hồng.

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện tràn lan clip đối đáp của bà Vũ Thị Thúy với các nhà đầu tư tại một buổi đối thoại.

Trong buổi đối thoại, các nhà đầu tư yêu cầu Công ty Nhật Nam tất toán hợp đồng hợp tác kinh doanh, trả tiền lãi và gốc cho các hợp đồng. Họ rất bức xúc bởi và khẳng định không tin vào lời hứa "sẽ giải quyết, trả tiền cho nhà đầu tư" như rất nhiều lần lãnh đạo Nhật Nam đã hứa. Đáp lại những chất vấn, đòi hỏi chính đáng này, bà Thúy lại có thái độ "cực gắt" và thiếu cầu thị với nhà đầu tư.

Trong số hàng vạn nhà đầu tư, rất nhiều người già, thậm chí có hoàn cảnh khó khăn. Vì ảo tưởng vào lãi suất "khủng" của Nhật Nam mà họ đã dốc vốn đầu tư, mong được lĩnh lãi hàng ngày, duy trì cuộc sống. Thế nhưng, Công ty Nhật Nam chỉ trả lãi nửa tháng rồi dừng hẳn, khiến họ giờ có nguy cơ mất trắng tài sản.