Mới đây, trên trang cá nhân của Nguyễn Ngọc Cương có đăng tải một truyện tranh xúc động mang tên “Ký ức của vợ tôi” do chính Ngọc Cương biên dịch. Rất nhanh chóng, truyện tranh xúc động này gây ra một "cơn bão mạng" với lượng like và share lớn.

Bật khóc với câu chuyện
"Ký ức của vợ tôi" đón một lượng like và share rất khủng với hơn 20.000 lượt like, số lượng share là hơn 33.000 lượt

Câu chuyện kể về một người vợ bị chứng mất trí nhớ và qua đời trong một đám cháy khi cô là quần áo cho người thân và để quên bàn là không tắt. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, người chồng không có nhà do đang bận tiếp đối tác, chỉ có mình người vợ ở trong phòng, cô gái đã chết ngạt trong căn phòng ấy, cảnh sát tìm thấy vết cào cấu của cô trên cánh cửa chính.

Vì bị chứng mất trí nên cô ấy không biết làm thế nào để làm một việc đơn giản như mở cửa. hoặc là kêu cứu ai đó có thể đến và giúp cô ấy.

Ngày hôm sau, người chồng nhìn thấy vợ mình vẫn "sống" trong ngôi nhà của họ...". Người chồng nhìn thấy vợ làm rất nhiều việc mỗi ngày, rồi anh ta đi theo “bóng vợ” những ngày sau đó để khám phá về cuộc sống của cô ấy trong thời gian đã qua, xem cô ấy làm những gì khi anh bận bịu với những công việc làm ăn. Anh theo bóng vợ đi mua hoa quả, cô ấy đi rất xa để chọn mua được hoa quả ngon cho chồng con. Đến nỗi người chồng thở hổn hển gọi “mình ơi” nghỉ chân chút nhưng cô ấy cứ băng băng đi thẳng về nhà rồi lại tiếp tục vào công việc khác. Lúc ấy, người chồng trẻ mới nhận ra, vợ mình đã hy sinh rất nhiều vì gia đình, làm việc không mệt mỏi vì gia đình.

“Vợ tôi là một người chân thành và tốt bụng. Cô ấy yêu gia đình mình hơn mọi thứ trên đời và đã nuôi dạy 2 đứa con rất tốt. Ngay cả khi bị mắc chứng mất trí nhớ, cô ấy vẫn cố gắng giữ cho mọi thứ diễn ra bình thường bằng mọi cách”.

Người chồng trẻ ân hận bởi 3 năm qua, mình không phải là một người chồng tốt bởi “tôi đã rời bỏ vợ tôi từ 3 năm trước” khi cô ấy bị mất trí.

“Giống như hầu hết mọi người, thật không dễ dàng gì có thể vừa là một người đàn ông của gia đình, vừa xử lý các công chuyện làm ăn bận rộn. Nhưng tôi không thể phủ nhận mình đã không thực sự cố gắng hết sức để làm điều đó”, người chồng vô cùng ân hận vì quãng thời gian đã qua không giúp đỡ được gì cho vợ.

Và anh tự nhận mình là kẻ vô tâm, “trước giờ chỉ sống vì công việc” và không có kỷ niệm nào từ khi kết hôn. “Tôi chưa bao giờ dành cho vợ tôi, dù chỉ một kỷ niệm để cô ấy có thể lãng quên”, người chồng đau khổ.

Câu chuyện thực sự đã làm lay động hàng triệu trái tim của mọi người, đặc biệt là trái tim của những người chồng, trong đó có cả những trái tim luôn bừng cháy yêu thương và cũng có cả những trái tim khô héo, đang “đóng băng” về cảm xúc với người vợ thân thương. Nó làm trỗi dậy những yêu thương đang bị ngủ quên, chôn vùi trong dòng đời xô bồ, tấp nập. Đôi khi không phải vì công việc quá bận rộn không thể dành thời gian cho gia đình, mà chỉ vì chúng ta chưa thực sự cố gắng hết sức như ông chồng trong câu chuyện.

Tình yêu của người vợ dành cho chồng, cho gia đình và sự hối hận của người chồng trong câu chuyện “Ký ức của vợ tôi” đã lấy đi nước mắt của rất nhiều cư dân mạng.

Bật khóc với câu chuyện
Câu chuyện "Ký ức của vợ tôi" khiến nhiều người bật khóc

“Thật sự là tốn khá nhiều nước mắt”, “rớt nước mắt”, “muốn khóc”, “tôi đã bật khóc khi đọc câu chuyện”, “cảm động quá, 5 hình cuối đã làm nước mắt mình rơi”… là những cảm xúc của mọi người khi đọc câu chuyện này.

Nhiều ông chồng sau khi đọc xong câu chuyện đã gửi những biểu tượng cùng lời nhắn nhủ với người vợ rằng "anh đã thấu hiểu". Thấu hiểu của các ông chồng ở đây có lẽ chính là tình yêu thương, hy sinh thầm lặng mà bao năm qua người vợ đã dành cho gia đình. Thấu hiểu ở đây có lẽ cũng chính là nhìn thấy bản thân mình hiện lên trong câu chuyện, hiểu ra sự nhẫn nhịn, chịu đựng của vợ thật lớn lao biết nhường nào.

Bật khóc với câu chuyện
Không ít ông chồng "vô tâm" đã nhận ra lỗi lầm của mình qua "Ký ức của vợ tôi"

Ký ức của vợ tôi” giúp mọi người nhận ra được đâu là điều quý giá nhất của cuộc sống. Nên trân trọng những gì mà mình đang có, đừng để đến khi mất nhau rồi mới đi tìm nhau”.